Khách hàng sẽ luôn bị từ chối khi yêu cầu nhận ảnh RAW từ nhiếp ảnh gia, lý do là vì đâu?
Nếu yêu cầu nhiếp ảnh gia gửi toàn bộ ảnh RAW cho bạn sau buổi chụp, đa số các trường hợp họ sẽ từ chối thẳng thừng. Vậy do đâu mà họ lại không muốn đưa ảnh gốc cho bạn? Hay là họ muốn giữ riêng một vài ảnh mà không thèm đưa bạn? Không, họ cũng chẳng muốn giữ lại vài tấm kỷ niệm của bạn làm gì đâu, nếu đã từng thắc mắc hay ấm ức vì trải qua trường hợp này, hãy xem qua những lý do dưới đây để hiểu hoàn cảnh của các anh /chị thợ chụp hơn nhé.
Trước khi đi vào lý do, chúng ta cũng cần tìm hiểu qua ảnh RAW là gì. Ảnh Raw có thể nói là loại ảnh nguyên gốc lấy từ cảm biến ảnh, chưa qua các thuật toán xử lý và nén định dạng như JPEG hay các định dạng ảnh khác. Những bức ảnh thô này lại có dung lượng khá lớn, chứa đựng nhiều thông tin hơn so với JPEG, nhờ đó khi đưa lên các phần mềm hậu kỳ sẽ cho ra kết quả tốt hơn so với ảnh JPEG (vốn đã bị nén lại).
Chính vì thế, đôi khi khách hàng luôn nghĩ rằng không nhận được hết ảnh từ thợ chụp thì quả là phí phạm, hay đơn giản hơn, nếu nhiếp ảnh gia gửi hết ảnh gốc cho khách thì họ cũng chẳng mất mát gì cả. Tuy nhiên, chuyện không đơn giản như bạn nghĩ, dưới đây là những lý do:
1. Ảnh RAW không phải là sản phẩm cuối cùng
Hãy thử tưởng tượng ảnh RAW như một bức tranh phác họa và chỉ mới đi những đường vẽ sơ sài, chưa hoàn chỉnh, vậy bạn có sẵn lòng yêu cầu tay họa sĩ đó giao một bức tranh còn dang dở này không?
Bạn sẽ chọn ảnh trái (RAW) hay ảnh bên phải (đã hậu kỳ)?
2. Gây ấn tượng không tốt đến những khách hàng tiềm năng đến sau
Đặt trường hợp nếu nhiếp ảnh gia đó giao ảnh gốc cho bạn (tức là chưa hoàn chỉnh) và bạn chia sẻ cho bạn bè ngoài đời lẫn trên mạng xã hội xem. Có thể bạn thấy như vậy đã đủ ổn không cần hậu kỳ gì nhưng biết đâu tình cờ đó lại là cái tai hại không ngờ, vì nếu những ai có ý định muốn liên hệ với anh thợ chụp này trong tương lai sẽ thay đổi quan điểm vì cơ bản nhìn hình họ lại nghĩ rằng "Ôi sao ảnh này hậu kỳ rồi mà xấu thế à?". Từ đó danh tiếng của nhiếp ảnh gia này sẽ bị giảm xuống, chính vì vậy đây cũng là lý do mà gần như chẳng ai dám giao ảnh RAW cho khách hàng cả.
3. Ảnh RAW luôn cần trải qua quá trình hậu kỳ
Để đạt được kết quả tuyệt đối, các nhiếp ảnh gia cần phải "bùa phép" vào trong ảnh bằng các phần mềm hậu kỳ. Họ có thể làm da mặt bạn sáng hơn, láng mịn hơn, che bớt khuyết điểm hoặc "bóp" tay chân lại cho trông thon gọn hơn, ảnh được lung linh hơn. Tất nhiên nếu giao hết hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm tấm ảnh RAW, liệu bạn có đủ kiên nhẫn để tự tay hậu kỳ hết hay không?
Ảnh RAW (trái) và ảnh đã qua hậu kỳ (phải).
4. Rất nhiều khách hàng không hài lòng với ảnh chưa qua chỉnh sửa
Có một nghịch lý rằng: "Khách hàng đôi khi muốn có ảnh một cách nhanh nhất, thậm chí bảo không yêu cầu hậu kỳ mà chỉ việc gửi ảnh gốc. Tuy nhiên, khi nhận được rồi thì họ lại ngán ngẩm chê tới chê lui vì sao màu sắc nhợt nhạt hoặc vì một lý do nào đó mà ảnh chẳng đẹp gì cả!".
5. Chất lượng luôn tốt hơn số lượng
Nếu được lựa chọn, bạn sẽ chọn hướng nào? Có được 150 tấm ảnh đẹp nhất đã qua chỉnh sửa kỹ càng, hay có cả ngàn tấm ảnh chưa hậu kỳ, thiếu sáng, nhợt nhạt và chẳng có gì ấn tượng? Và tất nhiên, cả ngàn tấm ảnh thì chắc gì bạn có thể xem hết, hay lại ngán ngẩm chẳng muốn xem lại lần nữa vì nó quá chung chung và không ấn tượng? Vì thế tốt nhất hãy tin tưởng và tay nghề của các anh thợ, và để họ có thời gian chỉnh sửa ảnh sao cho chất lượng và lung linh hơn cho bạn.
Ảnh RAW (trái) và ảnh đã qua hậu kỳ (phải).
6. "Chúng tôi không muốn bị đánh giá chỉ vì một tấm ảnh chưa qua xử lý"
Đúng vậy, các nhiếp ảnh gia một khi đưa ra sản phẩm, họ luôn muốn những bức hình này được chỉnh chu và thể hiện đúng ý đồ cuối cùng của mình, chứ không phải những sản phẩm quá hời hợt rồi lại bị đánh giá không tốt.
Ảnh RAW (trái) và ảnh đã qua hậu kỳ (phải).
Nói tóm lại, nếu muốn những bức ảnh của mình trông hoàn mỹ nhất có thể, hãy để các tay thợ ảnh có thời gian chỉnh sửa hậu kỳ cho đúng ý đồ của họ, và đừng bao giờ xin về hết ảnh RAW vì có thể bạn sẽ chẳng bao giờ chỉnh ảnh nổi hoặc thậm chí chẳng có đủ thời gian kiên nhẫn để ngồi trước máy tính chỉnh từng tấm ảnh đâu.