Bạn có bao giờ nghĩ rằng có những chiếc máy ảnh trên cổ tay, sở hữu tới bốn ống kính hay hình khẩu súng?
Có lẽ hình dáng của những chiếc máy ảnh phổ biến ngày nay đều có nhiều nét tương đồng, nhưng hãy thử nhìn lại trong lịch sử nhiếp ảnh, đã từng có một số phát minh máy ảnh khá kì dị mà đến nỗi khi bây giờ nhìn lại bạn phải thốt lên rằng "đây có phải là máy ảnh không vậy?"
Hôm nay chúng tôi xin tổng hợp lại 10 chiếc máy ảnh được xem là kì lạ nhất trong lịch sử nhân loại, nào mời các bạn cùng xem qua nhé:
1. Chiếc máy ảnh lớn nhất thế giới
Cận cảnh chiếc máy ảnh khổng lồ trong lịch sử nhiếp ảnh.
Năm 1900, để chụp ảnh đầu tàu hỏa cho hãng Alton, nhiếp ảnh gia George R. Lawrence đã cho xây dựng hẳn một chiếc máy ảnh có kích thước khổng lồ. Vào thời điểm đó, nếu bạn muốn có được một bức ảnh kích cỡ lớn, đồng nghĩa với việc bạn phải có một chiếc máy ảnh lớn và đó là lý do mà chiếc máy ảnh này đã ra đời. Chiếc máy ảnh quá khổ này có cân nặng lên đến 640 kg và sử dụng loại phim âm bản kích thước 4,5 x 8 inch.
2. Williamson Aeroplane Camera - Ông tổ của Flycam ngày nay
Được giới thiệu vào năm 1915, chiếc máy ảnh kì dị này là sản phẩm sáng chế của người Anh. Lúc này họ muốn chụp những bức ảnh từ trên không vì thế quyết định lắp thiết bị chụp ảnh này vào thân máy bay. Nhìn hình có thể thấy, mặt trước của "chiếc hộp máy ảnh" này có cả một cánh quạt, nhưng chức năng của nó không phải để bay mà là để lên phim chụp thông qua sức gió.
3. Nimslo - camera kép chỉ là hạng xoàng
Vào những năm 1980, Nimstec Atlanta thiết kế ra một kiểu máy ảnh bỏ túi nhưng có vẻ ngoài lẫn chức năng hơi khác người so với thời điểm đó. Chiếc máy ảnh này có chức năng tạo ra những tấm ảnh 3D kì diệu bằng loại phim 135. Đúng như chúng tôi đã nói ở trên, camera kép chỉ là hạng xoàng. Chiếc Nimslo này có đến 4 ống kính với chức năng chụp lại 4 tấm ảnh khác nhau, từ đó tạo nên một bức ảnh 3D hoàn chỉnh. Tuy nhiên để tạo nên 1 bức ảnh 3D, chiếc máy này cần đến 2 khung ảnh (frame), tức khi lắp một cuộn ảnh 36 kiểu thì chỉ có thể tạo được tổng cộng 18 kiểu ảnh 3D mà thôi.
4. Leica S1
Ít ai nghĩ rằng một thương hiệu máy ảnh cao cấp và chuẩn mực như Leica lại từng thiết kế một mẫu thiết bị chụp ảnh "đẹp lạ" và quái dị. Vào năm 1996, khi thời điểm nhiếp ảnh kỹ thuật số bắt đầu bùng nổ, hãng này cũng đã không chịu ngồi yên xơi nước mà thay vào đó bắt tay thiết kế và ra đời chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên của họ - Leica S1. Tuy nhiên, hình dáng của chiếc máy này khá lạ và cồng kềnh khi thân máy là hình vuông màu đen, kèm theo đó là 2 vòng cung bên trái và phải máy để nhiếp ảnh gia có thể cầm nắm cũng như thao tác với máy. Bên cạnh việc bất lợi về hình dáng, hiệu năng của nó cũng có phần hơi bất cập - tốn đến 3 phút để chụp 1 tấm ảnh, vì vậy người dùng cần phải lắp máy vào tripod trước khi muốn có một bức ảnh hoàn hảo và không bị nhòe mờ. Về chất lượng hình ảnh, chiếc Leica S1 có thể cho ra bức ảnh khổ vuông với độ phân giải 5140 x 5140 pixel.
5. Tessina - máy ảnh đeo tay
Năm 1956, Concava thiết kế ra loại máy ảnh siêu nhỏ gọn, nhỏ đến nỗi có thể đeo được trên cổ tay. Nhưng đừng lầm tưởng đây là smartwatch thời nay với chức năng hiển thị giờ lẫn chụp ảnh, thiết bị đeo tay này cơ bản chỉ có thể chụp và chụp mà thôi. Được biết, chiếc Tessina này sử dụng loại phim 135 được "chế" lại cho phù hợp với thân hình tí hon của nó.
6. Doryu 2-16 - máy ảnh cải trang thành khẩu súng?
Đây là khẩu súng? Không, đây là máy ảnh đấy. Chiếc máy ảnh này có tên Doryu 2-16, được thiết kế giống với một khẩu súng và mục đích được làm ra để phục vụ cho cảnh sát ghi hình lại những bằng chứng tội phạm. Được biết, "khẩu súng" này có tổng cân nặng 582 g, phần ống kính được lắp ngay phía trước nòng súng và có tiêu cự 30 mm. Đặc biệt hơn, phần hộp đạn của khẩu súng này chứa 6 "viên đạn flash" đặc biệt. Khi người dùng bóp cò, viên đạn này sẽ được kích hoạt và tạo một luồng sáng giống với đèn flash có độ tỏa từ 15 đến 20 m giúp người chụp có thể ghi hình lại được trong cả điều kiện ánh sáng yếu.
7. Echo 8 và Camera-Lite - bật lửa kiêm máy ảnh
Echo 8 được thiết kế bởi hãng sản xuất máy ảnh Suzuki (Nhật Bản) vào năm 1951 và đây không đơn thuần chỉ là một chiếc bật lửa. Nếu nhìn kỹ bạn sẽ thấy một lỗ nhỏ bên thân chiếc bật lửa này, đây chính là nơi ống kính tiêu cự 17mm F/8 được đặt vào nhằm mục đích bí mật chụp ảnh. Không chỉ Echo 8, đến năm 1955 một chiếc bật lửa kiêm máy ảnh khác cũng được ra đời với thiết kế gọn gàng hơn, mang tên Camera-Lite.
8. Game Boy Camera
Thoạt nghe đến Game Boy, hẳn nhiều bạn trẻ thế hệ 8x và 9x đời đầu sẽ nghĩ ngay đến chiếc máy chơi game băng cầm tay ngày xưa của Nintendo. Đúng vậy, hãng này ngoài việc tạo ra thiết bị chơi game, họ còn làm cả phụ kiện chụp ảnh có tên Game Boy Camera vào năm 1998. Để sử dụng, người dùng cần kết nối chiếc máy ảnh này vào khe băng của chiếc máy Game Boy, dù chất lượng ảnh có phần hơi tệ nhưng nó vẫn phục vụ được phần nào nhu cầu giải trí của những đứa trẻ thời đó.
9. Summa Report
Được sản xuất vào năm 1954 bởi Tiranti (Ý), đây là chiếc máy ảnh chuyên dụng dành cho các tay phóng viên. Chiếc máy trông khá cồng kềnh với nhiều thành phần được lắp bên trên, và mỗi thành phần đều có một nhiệm vụ khác nhau: ngắm, lấy nét, chụp ảnh...và khi nhìn vào thiết bị này chắc hẳn nhiều người sẽ phải bối rối vì không biết phải sử dụng như thế nào. Cũng chính vì sự cồng kềnh và phức tạp trong thao tác, chiếc Summa Report được liệt vào danh sách máy ảnh dị và không thực tiễn.
10. Visoflex
Visoflex không hẳn là một chiếc máy ảnh độc lập, thực tế nó chính là phụ kiện gù ngắm có gương lật bên trong giúp người dùng có thể lắp vào bất kì chiếc Leica M nào để "biến hình" từ dạng máy ảnh rangefinder thành máy ảnh gương lật SLR.
Leica M3 với hình dáng rangefinder...
...và bị biến thành máy ảnh gương lật SLR sau khi lắp phụ kiện Visoflex vào.