Giới thiệu sản phẩm trong các siêu thị, tiếp thị rượu, thuốc lá trong nhà hàng, quán bar, làm người mẫu tóc, quảng bá chương trình game, làm MC, lễ tân cho các buổi tiệc, hội nghị... Đó chính là công việc của một PG (Promotion Girl), một công việc hiện được nhiều nữ sinh viên năng động, tự tin chọn lựa.
Hành Trình của một PG
Chỉ cần ngoại hình bắt mắt, giao tiếp tốt, lanh lẹ là đủ để bạn "lọt mắt xanh" của nhà tuyển dụng - Ngân, một PG với 4 năm trong nghề chia sẻ. Đang là sinh viên năm thứ hai nhưng thu nhập của Ngân có tháng lên tới hơn 10 triệu đồng, trung bình thì khoảng 3 triệu đồng/tháng. Hỏi bí quyết "ăn nên làm ra" trong nghề PG, cô "bỏ nhỏ": "Tôi cao 1m66, ăn nói "hơi bị được" và tự tin, thế là đủ!".
Nói về cuộc "hành trình" để trở thành một PG, Thủy Tiên - 25 tuổi, tự nhận là một PG "già" - cho biết, bạn có thể tự gửi các bức ảnh của mình đến các công ty quảng cáo, khi những tổ chức hay chương trình nào cần PG thì họ sẽ tìm đến các công ty này và gọi đến phỏng vấn nếu hồ sơ của bạn gây được ấn tượng tốt, còn một cách khác nữa là qua các mối quan hệ và sự giới thiệu của các PG với nhau. Khi được hỏi như thế nào là PG "già", Tiên giải thích: "Nghề này chỉ dành cho các bạn trẻ thôi, 25 tuổi như tôi là đến lúc cần "giải nghệ" rồi".
Mỗi "sô" làm PG có khi chỉ vài tiếng đồng hồ, hoặc vài ngày, cũng có chương trình kéo dài cả tháng trời. Nói như một PG thì "đây là nghề "lông bông" vì bạn sẽ không thể trở thành một nhân viên chính thức của công ty nào, đúng nghĩa là công việc thời vụ mà thôi".
Chuyện vui, chuyện buồn
"Chạy sô" và cũng thường hay "bể sô" là "tật cố hữu" của các PG. Giải thích cho việc này, Ngân không ngại ngần tiết lộ: "Điểm chung nhất của các PG là hay nhận nhiều sô, có khi sô này làm chưa xong mà có chỗ khác gọi thì cũng không từ chối". Nên "tuyệt chiêu" thường được các PG sử dụng để đối phó chính là nhờ một PG khác đến làm thế cho mình, tất nhiên khi nhờ phải "kén cá chọn canh" một chút để yên tâm PG thế chỗ vẫn có thể làm tốt công việc đó. Nhưng cũng có khi bị "nốc-ao" vì không tìm đâu ra PG thích hợp để "nhờ vả" nên đành ngậm ngùi chấp nhận "bể" hợp đồng, có khi không được lãnh tiền công cho những ngày đã làm trước đó.
Cúc, một PG còn chân ướt chân ráo thì e dè tiết lộ rằng hơi bị "choáng" trước những "dịch vụ ăn theo" của một số PG có "máu mặt": "Thật ra khoản "hoa hồng" mà những PG này "bỏ túi" khi giới thiệu được một sô nào đó cho các PG mới như tụi em cũng không bao nhiêu, nhưng em thấy như vậy có vẻ "sòng phẳng" quá. Công ty quảng cáo lấy hoa hồng thì đương nhiên rồi, nhưng PG cũ phát tiền công cho các PG mới lại còn ăn bớt một ít nữa".
Trong các công việc của PG, làm người mẫu tóc vốn nhận được tiền thù lao rất cao nên có những PG sẵn sàng "hy sinh" luôn mái tóc. Hôm nay tóc dài ngang lưng thẳng suôn đen tuyền thì hôm sau đã thấy tả tơi vàng đỏ lởm chởm. Huyền - một PG có thâm niên làm người mẫu tóc cho biết: "Tất nhiên mình có quyền từ chối, nhưng tôi nghĩ đã làm nghề thì phải có ý thức chấp nhận. Tôi nghĩ làm PG cũng như những công việc khác, không có chỗ để bạn õng ẹo vì đứng mỏi chân hay vì phải cắt đi mái tóc..., mà là bạn phải chuyên tâm cho việc mình đang làm".
Trường hợp của Phương lại khác, cô kể: "Một lần, theo hợp đồng miệng, chương trình chỉ mượn mái tóc của tôi để bới, nhưng đến phút chót lại nhuộm, nên tôi kiên quyết từ chối, dù biết rằng như thế họ sẽ không gọi mình lần sau nữa. Tôi cũng không muốn biến thành con "tắc kè hoa".
Đối với Thủy Tiên thì kỷ niệm "nhớ đời" nhất có lẽ là lần làm người mẫu tóc cho một "cây kéo vàng", cô phải đội trên đầu một bông mai bằng kim loại nặng 3kg và ngồi như tượng suốt 3 tiếng đồng hồ, rồi phải đi lại biểu diễn trên sân khấu. "Tôi cũng muốn thử cho biết cái cảm giác làm người mẫu, nhưng lần đó vất vả quá nên sau này tôi không dám nhận những event tóc nữa".
Xin mượn chia sẻ của một PG 3 năm trong nghề để thay lời kết: "Làm PG, phải "ôm sô" rất nhiều việc, chúng tôi không ngại khó vì chúng tôi được trả thù lao xứng đáng và công việc cũng vừa sức, nhưng dù sao đó vẫn là một công việc tạm thời. Tôi thấy có nhiều bạn bỏ hết cả việc học hành để đi làm. Theo tôi, các bạn nên bố trí thời gian hợp lý giữa việc làm thêm và việc học để hướng đến một công việc hay vị trí ổn định lâu dài về sau".
Tổng hợp