Cùng một cảnh vật nhưng chụp với các góc khác nhau, thời điểm khác nhau có thể tạo nên những cảm xúc khác hẳn
Ánh sáng tự nhiên là một trong những công cụ hữu hiệu và quan trọng nhất với các nhiếp ảnh gia. Thêm vào đó, nguồn sáng này hoàn toàn miễn phí. Hiểu được các đặc tính của ánh sáng tự nhiên, biết cách tận dụng nguồn sáng này một cách hiệu quả sẽ giúp người chụp cải thiện chất lượng ảnh mà không phải tốn quá nhiều chi phí cho các thiết bị phụ trợ đắt tiền.
Dưới đây là những tình huống ánh sáng tự nhiên cần lưu ý.
1. Đặc tính thay đổi khi ánh sáng thay đổi.
Các loại ánh sáng khác nhau sẽ làm cho cùng một cảnh vật nhưng lại trông khác nhau.
Ảnh: Digitalphotographyschool.
Các tính chất của ánh sáng tự nhiên thay đổi theo thời gian trong ngày, theo thời tiết và rất nhiều tình huống khác. Về cơ bản, có nhiều loại ánh sáng, mỗi loại sẽ làm cho cùng một cảnh vật trông khác nhau. Bức ảnh trên được chụp vào các thời điểm khác nhau trong ngày, theo thứ tự từ trái sang phải là hoàng hôn, bình minh và giữa trưa. Bạn thấy, cùng là ánh sáng tự nhiên nhưng trạng thái của bức ảnh khác nhau theo từng thời điểm trong ngày.
Vì thế, khi chụp ảnh một cảnh vật nào đó mà bức ảnh không được như mong muốn, bạn hoàn toàn có thể chờ một thời điểm khác, chụp với một ánh sáng khác để tìm được tâm trạng hợp ý nhất với mình.
2. Ánh sáng tự nhiên không “tốt” cũng không “xấu”.
Ánh sáng giờ vàng không phải lúc nào cũng là một nguồn sáng thích hợp.
Ảnh: Digitalphotographyschool.
Rất nhiều người khi chụp ảnh vẫn thường quan niệm ánh sáng trong những “giờ vàng” (đầu sáng hoặc cuối chiều) được coi là “tốt”, hoặc thậm chí “tốt nhất” cho chụp ảnh. Các ánh sáng gắt, thường ở khoảng giữa trưa thường bị cho là loại ánh sáng tồi tệ nhất trong nhiếp ảnh. Tuy nhiên, nếu cứ rập khuôn lý thuyết này vào thực tế, là bạn đã tự mình giới hạn khả năng sáng tạo của chính mình.
Ánh sáng trong giờ vàng thường khiến cho mọi cảnh vật trông đẹp đẽ và huyền ảo bởi nó sáng dịu và có ánh ngả vàng. Bức ảnh trên là một ví dụ cụ thể nhất về cảnh được tôn lên với ánh sáng của “giờ vàng”. Nhưng nếu muốn tạo những hình ảnh chân thực về hiện thực chứ không phải là cường điệu hóa cảnh vật thì sao? Ánh sáng “giờ vàng” lúc này có vẻ sẽ không còn là một nguồn sáng thích hợp.
Ví dụ về ánh sáng gắt vào giữa trưa. Ảnh: Digitalphotographyschool.
Bức ảnh trên là một ví dụ về việc ánh sáng gắt vào giữa trưa có thể trở thành một nguồn sáng thích hợp để mô tả hiện thực. Với bức ảnh này, nhiếp ảnh gia muốn truyền tải thông điệp về khung cảnh làm việc cực nhọc của những người lao công vào giữa trưa dưới ánh nắng mặt trời chói chang. Nếu ảnh được chụp trong giờ vàng, cảnh vật có thể sẽ trở nên đẹp đẽ và lãng mạn về tình yêu lao động, nhưng chính vì thế mà thông điệp của ảnh sẽ bị thay đổi hoàn toàn. Bằng việc sử dụng ánh sáng gắt khiến cho tương phản rõ rệt vùng sáng và tối, làm cho màu sắc quần áo trở nên bợt bạt hơn, nhiếp ảnh gia càng làm nổi bật hơn nỗi vất vả khi phải làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt.
Vì thế, mỗi khi chụp ảnh, hãy nghĩ tới thông điệp mà mình định truyền tải, từ đó sử dụng các loại ánh sáng khác nhau như một công cụ thể hiện. Và vì là công cụ, nên sẽ không có công cụ nào là “tốt” hay “xấu” cả, chỉ là những gì bạn định truyền tải sai hay đúng mà thôi.
3. Chụp với luồng sáng nhìn thấy được.
Căn phòng có ánh sáng hắt vào từ khe cửa, sự tương phản được đẩy lên cao điểm.
Ảnh: Photographyschool.
Trong những khung cảnh mà sự tương phản khá mạnh mẽ, chẳng hạn trong một căn phòng với ánh sáng từ khe cửa như ở trên, nguồn sáng sẽ tạo nên một luồng sáng nhìn thấy được, và việc xử lý luồng sáng này như thế nào có thể tạo nên những cảm xúc mạnh mẽ cho bức ảnh. Bằng việc kết hợp hai nguồn sáng, trong đó chủ đạo là nguồn sáng xiên hòa lẫn trong làn khói bụi, nhiếp ảnh gia đã tái hiện được một bức tranh đời sống đầy cảm xúc.
4. Phán đoán không bằng tự chụp.
Phía sau nhân vật chính của ảnh có một nguồn sáng mạnh, nhưng phía trước cũng có một nguồn sáng đối trọng. Ảnh: Digitalphotographyschool.
Bất kể bạn quan sát ánh sáng tự nhiên bao nhiêu, phán đoán nó sẽ như thế nào khi lên ảnh hay đọc về các mẹo chụp ảnh nhiều cỡ nào, để thực sự tiến triển về nhiếp ảnh, bạn phải cầm máy lên và chụp.
Thực hành chụp có thể không dẫn tới những tác phẩm hoành tráng, nhưng nó sẽ giúp bạn hiểu ánh sáng hoạt động như thế nào, thể hiện trong ảnh ra sao từ một khung cảnh thực tế. Ngày nay, với máy ảnh số, không có lý do nào để người chụp phải chần chừ trong việc giơ máy lên và bấm cả. Nếu bạn thấy một cảnh ánh sáng đẹp và đang băn khoăn không biết nó sẽ như thế nào khi lên ảnh, thì điều đầu tiên cần làm là giơ máy lên, chụp rồi xem lại.
Bức ảnh trên cũng vậy. Trong ảnh có nguồn ánh sáng hậu rất mạnh, có thể làm lóa toàn bộ nhân vật chính. Tuy nhiên khi nhận ra phía trước cũng có một nguồn sáng đối trọng khác, nhiếp ảnh gia đã không ngần ngại chụp cả series ảnh với các tùy chỉnh khác nhau. Kết quả là một bức ảnh cuối với chất lượng không hề tệ.
5. Chụp với tư tưởng sẽ xử lý hậu kỳ.
Ảnh gốc chưa qua xử lý.
Ảnh đã qua xử lý hậu kỳ Light Room.
Bất kể máy ảnh của bạn tốt cỡ nào, chúng cũng không thể nào thu được chi tiết ở mọi vùng sáng, nhất là trong những tình huống ánh sáng phức tạp mà không phải nhờ đến sự trợ giúp của các phần mềm xử lý ảnh hậu kỳ.
Để tận dụng tối đa từ những tình huống như vậy, người chụp nên chọn thông số phơi sáng theo cách thức có thể thu được nhiều chi tiết nhất. Điều này có nghĩa ảnh chụp có thể hơi thiếu sáng hoặc thừa sáng, miễn là đảm bảo độ chi tiết ở một vùng.
Ví dụ ở hình thứ nhất, người xem có thể thấy khuôn mặt của những người đàn ông tối hơn, như bị thiếu sáng. Đây là bức ảnh nguyên gốc được chụp từ máy ảnh và nhiếp ảnh gia đã lựa chọn chế độ hơi thiếu sáng để duy trì độ chi tiết ở vùng sáng (các đám mây) thay vì lấy sáng vào khuôn mặt và làm cháy sáng trên trời. Lựa chọn này xuất phát từ việc nhiếp ảnh gia biết rằng các vùng tối trên mặt có thể dễ dàng làm sáng và hiện chi tiết hơn bằng những lệnh khá đơn giản (như Fill Light/Shadow) của phần mềm xử lý hậu kỳ Light Room. Ở bức ảnh thứ hai, sau khi chỉnh lý, nhiếp ảnh gia đã thu được một bức ảnh chất lượng với chi tiết khá tốt ở cả hai vùng sáng tối.
Vì thế, mỗi khi chụp ảnh, hãy luôn nghĩ trong đầu mình sẽ làm gì với ảnh này ở hậu kỳ, vùng sáng nào sẽ là yếu tố quan trọng đối với bức ảnh, chi tiết nào có thể mất một chút, chi tiết nào không thể thỏa hiệp. Tất nhiên, bạn cũng cần lưu ý là năng lực phần mềm cũng có giới hạn nhất định, và trong một số trường hợp, nếu quá tay khi đo sáng chụp ảnh, thậm chí sẽ không thể phục hồi được các chi tiết bị mất do thiếu hoặc thừa sáng.
Tổng hợp