Đường Hồ Chí Minh đang được mở rộng, kéo dài từ Cao Bằng tới mũi Cà Mau. Dự án hơn 3.000 km sẽ hoàn thành năm 2020, trong đó, gần 450 km theo tiêu chuẩn cao tốc.
Đường Hồ Chí Minh đã có dự án mở rộng kéo dài từ Nam ra Bắc dài hơn 3.000 km (từ mũi Cà Mau đến Pác Bó, Cao Bằng) và là tuyến quốc lộ thứ 2 chạy dọc vùng núi phía Tây từ Bắc vào Nam. Trên hình ảnh là đoạn gần thị trấn Xuân Mai (Hà Nội).
Tuyến đường được xây dựng trên cơ sở nâng cấp mở rộng một số tỉnh lộ và quốc lộ cũng như làm mới một số đoạn. Trong ảnh, đoạn đi qua thị trấn Miếu Môn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Đặc điểm của đường Hồ Chí Minh là dùng vạch kẻ phân làn màu vàng. Tài xế khi lưu thông qua đây có thể phân biệt được với các con đường khác.
Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược để chi viện cho miền Nam và các nước bạn, do đó tuyến giao thông này về sau được đặt tên là đường Hồ Chí Minh. Hình ảnh tại khu vực huyện Lạc Sơn (Hòa Bình).
Trong thời kỳ kháng chiến, đường Hồ Chí Minh bắt đầu từ Nghệ An (thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, được đánh dấu bằng cột mốc số 0) tới Mũi Cà Mau. Sau này đường mới được mở rộng nâng cấp và kéo dài ra tới thị trấn Xuân Mai, Hà Nội.
Việc nâng cấp xây dựng, mở rộng đường được khởi công xây dựng giai đoạn 1 từ năm 2000 đã đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe (bao gồm cả kiên cố hóa và chống sạt lở đoạn từ Hòa Lạc - Hà Nội đến Tân Cảnh - Kon Tum) và đưa vào khai thác sử dụng toàn bộ từ 2008.
Giai đoạn 2 (2007-2015), đầu tư nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe, trong đó cơ bản hoàn thành vào năm 2015. Một số cầu lớn hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020. Trong ảnh là đoạn qua rừng quốc gia Cúc Phương.
Giai đoạn 3 (2012-2020) tập trung vào việc đầu tư thực hiện khoảng 445 km theo tiêu chuẩn cao tốc gồm các đoạn từ Đoan Hùng (Phú Thọ) đến Chợ Bến (Hòa Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) đến Túy Loan (Đà Nẵng), Dự án kết nối hệ thống giao thông trung tâm đồng bằng sông Mê Kông đoạn Mỹ An (Đồng Tháp) đến Rạch Sỏi (Kiên Giang).
Sau năm 2020, các đoạn tuyến cao tốc còn lại được xây dựng và hoàn chỉnh toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt. Trong ảnh là khu vực huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.
Đường Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành sẽ đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố gồm trải dài từ Cao Bằng đến Cà Mau.
Tổng chiều dài 3.183 km (tuyến chính khoảng gần 2.500 km, tuyến phía Tây hơn 680 km. Trong ảnh là khu vực cầu Lam Kinh bắc qua sông Chu nằm trên địa phận Thọ Xuân (Thanh Hóa).
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 13.300 tỷ đồng, giai đoạn 2 hơn 27.700 tỷ và giai đoạn 3 trên 273.000 tỷ đồng (chưa kể 23.000 tỷ đồng là tổng mức đầu tư của 133 km đường Hồ Chí Minh đi trùng với các dự án khác đã được bố trí nguồn vốn và triển khai).
Theo Zing