Hãy cùng nhìn lại một thời “vàng son” của TV (tivi), khi con người còn “mê mệt” chiếc màn hình nhỏ bé nhưng kỳ diệu, mở ra biết bao điều mà trước đó họ chưa từng được nhìn thấy, nghe thấy, hay biết đến.
Đã từng có thời, xem TV là một hoạt động giải trí thường nhật của mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Ngày nay, dù TV vẫn đóng một vai trò lớn trong cuộc sống thường ngày giúp khán giả thu nhận thông tin và giải trí, nhưng TV đã chứng kiến một sự sụt giảm trong đời sống văn hóa đại chúng so với những thập niên trước.
Con người đang càng lúc càng dành nhiều thời gian hơn để cập nhật tin tức và giải trí trên các thiết bị di động thông minh.
Mặc dù vậy, hầu như trên khắp thế giới này, trong mỗi gia đình, chiếc TV vẫn là một món đồ điện tử thân thuộc và phổ biến, giúp làm giàu thêm cho đời sống tinh thần của mỗi người, mỗi nhà. Dù thời lượng xem TV mỗi ngày có thể bị giảm đi bởi những sự chi phối của đời sống hiện đại, thì trong mỗi gia đình, vẫn không thể nào không có ít nhất một chiếc TV.
Tháng 12/1996, Liên Hợp Quốc đã lựa chọn ngày 21/11 hàng năm là ngày TV Thế giới. Giờ đây, TV không còn mở ra cả một thế giới kỳ diệu cho người xem nữa, bởi có nhiều phương tiện thông tin - truyền thông, mạng xã hội vô cùng hấp dẫn đã xuất hiện, cùng cạnh tranh vị trí thống trị của TV trong đời sống tinh thần của mỗi người, mỗi nhà.
Hãy cùng nhìn lại một thời “vàng son” của TV, khi con người còn “mê mệt” chiếc màn hình nhỏ bé nhưng kỳ diệu, mở ra biết bao điều mà trước đó họ chưa từng được nhìn thấy, nghe thấy, biết đến:
Những nhân vật cấp cao trong Tập đoàn Phát thanh Mỹ (RCA) đang ngồi trước một cỗ máy mới mẻ, một phát minh hứa hẹn thay đổi cả thế giới, đó chính là chiếc TV. Cỗ máy kỳ diệu phát được cả hình và tiếng này đã được đặt trong văn phòng trụ sở của tập đoàn tại New York trước khi đem giới thiệu rộng rãi tới công chúng. Ảnh chụp năm 1939.
Nhà văn người Mỹ Russell Finch tận hưởng thú vui vừa tắm vừa xem truyền hình. Ảnh chụp năm 1948.
Những người đàn ông tập trung trước một cửa tiệm ở bang Pennsylvania để xem chương trình truyền hình đang phát trên những chiếc TV hàng mẫu. Ảnh chụp năm 1948.
Một cậu bé tranh thủ đứng xem chương trình truyền hình từ một chiếc TV đặt trong cửa hiệu. Ảnh chụp năm 1948.
Những bà xơ ở một nhà thương nằm tại thành phố Erie, bang Pennsylvania, Mỹ, đang cùng xem TV trong giờ giải trí tập thể. Ảnh chụp năm 1949.
Xem phim cao bồi miền viễn Tây. Ảnh chụp năm 1950.
Những người đi bơi tại một bể bơi công cộng chăm chú theo dõi một bản tin thời sự. Ảnh chụp năm 1950.
Những đứa trẻ ngồi xem TV chăm chú. Ảnh chụp năm 1951.
Những người đàn ông tập trung tại một quán bar ở Chicago để cùng xem một trận đấu bóng chày. Ảnh chụp hồi năm 1952.
Một cô bé đang tập trung vẽ lên màn hình TV, em không hề nghịch ngợm mà đang thực hiện theo đúng yêu cầu của chương trình - một chương trình tương tác với khản giả thuộc dạng sơ khai ở thời kỳ đầu của nền công nghiệp truyền hình. Đó là một chương trình dành cho thiếu nhi, có tên “Winky Dink”, lên sóng tại Mỹ trong 4 năm hồi thập niên 1950. Những đứa trẻ sẽ gắn lên màn hình một tờ phim trong và sẽ vẽ theo những chuyển động xuất hiện trên màn hình. Ảnh chụp năm 1953.
Một chú tinh tinh có tên Zippy đang ngồi chăm chú xem TV. Ảnh chụp năm 1955.
Cậu bé gốc Hàn Kang Koo Ri đang ngồi xem TV trong gia đình bố mẹ nuôi ở Los Angeles. Ảnh chụp năm 1956.
Những người bạn cùng hẹn nhau tập trung ở một nhà để xem trận bóng bầu dục gay cấn. Ảnh chụp hồi năm 1957.
Gia đình một người công nhân làm đường ở bang Utah, Mỹ, đang cùng xem TV trong một cabin nhỏ. Ảnh chụp năm 1957.
Một fan bóng chày với gương mặt hạnh phúc rạng ngời khi chứng kiến đội tuyển mà anh cổ vũ đã giành chiến thắng. Ảnh chụp năm 1957.
Một doanh nhân xem TV trong phòng khách sạn. Ảnh chụp năm 1958.
Một gia đình tập trung xem chương trình giải trí lúc cuối ngày. Ảnh chụp năm 1958.
Những nông dân đang trong vụ thu hoạch nông sản cùng ngồi xem TV trong chiếc lều dựng lên bên rìa một nông trại ở thành phố Gary, bang Indiana, Mỹ. Ảnh chụp năm 1959.
Ba người phụ nữ gốc Á cùng ngồi xem TV. Ảnh chụp ở thành phố Chicago, năm 1960.
Người đàn ông theo dõi tin tức từ phòng khách sạn. Ảnh chụp tại thành phố Los Angeles, năm 1960.
Chiếc TV “quái vật 3 mắt” từng một thời gây sốt, cho phép người xem có thể cùng một lúc bật lên 2-3 kênh khác nhau. Ảnh chụp năm 1961.
Vợ của phi hành gia Scott Carpenter và con trai của anh - cậu bé Mac đang cùng theo dõi qua truyền hình chuyến bay vòng quanh quỹ đạo Trái Đất do anh thực hiện hồi năm 1962. Phi hành gia Scott Carpenter là phi hành gia thứ hai trong lịch sử NASA thực hiện chuyến bay vòng quanh quỹ đạo Trái Đất kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ.
Một cặp vợ chồng theo dõi trận đấu bóng chày từ chiếc TV đặt bên ngoài một khách sạn nhỏ. Ảnh chụp hồi năm 1962.
Đám đông theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy qua truyền hình. Ảnh chụp hồi năm 1962.
Nam ca sĩ Frank Sinatra theo dõi con trai của ông - Frank Jr. - khi đó 21 tuổi làm MC cho một chương trình truyền hình. Ảnh chụp năm 1964.
Những chiếc TV dùng “ăng-ten râu” đặt trong một phòng trưng bày thiết bị điện tử. Ảnh chụp ở thành phố Elmira, bang New York, Mỹ, hồi năm 1966.
Nữ diễn viên Diahann Carroll và nhà báo David Frost cùng theo dõi hình ảnh bản thân xuất hiện trong những talk show khác nhau.
Theo Dân trí
Tags: