Chúng ta thường có khuynh hướng tránh né nguồn sáng trực tiếp đi vào mắt. Đó là lý do chúng ta ít thấy một thế giới vô cùng xinh đẹp xuất hiện phía sau nguồn sáng, cho đến khi nhìn thấy chúng qua các tấm hình.
Kỹ thuật chụp ngược sáng thường được tận dụng để phơi bày hay che lấp bản chất một đối tượng hình ảnh. Nó tạo nhiều cảm xúc trên bức ảnh, làm cho chủ đề trở nên mong manh, làm thấy rõ chi tiết hay thành phần kết cấu khi ánh sáng chiếu xuyên qua chủ để, ngoài ra nó còn tôn tạo hình dáng và tạo bóng đổ của chủ đề trên nền ảnh.
Chụp ngược sáng được hiểu là máy ảnh đặt đối diện hoặc xéo một góc nhỏ với nguồn sáng. Kỹ thuật này thường dùng một đối tượng, thường là chủ đề chính, để ngăn hướng sáng trực tiếp đi vào máy ảnh. Nhưng cũng có thể chụp trực tiếp từ nguồn sáng như một chủ đề chính (như hoàng hôn, đèn đường,…).
Kỹ thuật này gồm hai phương thức chính, nó vận dụng các kỹ thuật khác nhau để tạo ra những hiệu ứng khác nhau. Một là cho ánh sáng đi xuyên qua vật thể và tận dụng ánh sáng để thắp sáng màu sắc vật thể nó đang mang (thường là các vật thể có bề dày khá mỏng như cánh hoa, trái cây cắt mỏng, vải,…).
Trong khi cách thứ hai thường dùng các đối tượng có độ dày (hoặc có khả năng ngăn cản ánh sáng) để chặn ánh sáng đi vào máy ảnh, tạo ra vành quang rất đẹp (hay còn gọi là ven sáng) xung quanh đối tượng và khai thác sự tương phản.
Khi chụp ngược sáng, đặc biệt khi ánh sáng đi thẳng vào ống kính, màu sắc hình ảnh thường có độ bảo hòa thấp (hình 3). Tuy nhiên nó tạo ra sự huyền ảo và mơ mộng.
Vì nguồn sáng mạnh có thể làm hư máy ảnh của bạn khi chụp trực tiếp, nên các nhiếp ảnh gia thường khai thác và tận dụng các nguồn sáng dịu trong tự nhiên, như lúc mặt trời mới mọc hoặc sắp lặn, ánh đèn đường trong sương mù hoặc trong cơn mưa… Đó là nguồn sáng rất lý tưởng để khai thác kỹ thuật chụp ngược sáng.
Hiện tượng lóe sáng khi chụp ngược sáng - Hình 05 - infogirl
- Vòm che ống kính (Len hood) sẽ hạn chế hiện tượng lóe sáng và tăng hiệu quả hình ảnh ngược sáng, khi chụp trực tiếp nguồn sáng (hình 05)
- Khẩu độ nhỏ (hay độ mở ống kính lớn) sẽ làm hình ảnh dư sáng, vì lượng sáng đi vào máy ảnh sẽ nhiều hơn. Khẩu độ càng lớn sẽ giảm sự xao lãng của ánh sáng ở hậu cảnh trong hình ảnh. Đưa đối tượng chính gần hơn với ống kính và ra xa hậu cảnh để tăng độ sắc nét chủ đề và làm mờ hậu cảnh
- Đèn flash hay hắc sáng sẽ làm cho chủ đề chính sáng hơn khi chụp ngược sáng. Việc điều chỉnh đèn flash đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, làm sao chỉ đủ chiếu sáng đối tượng mà không bị tràn ra ngoài. Chỉnh góc phủ đèn (zoom) hẹp và mức năng lượng thấp thích hợp.
- Đo sáng rất quan trọng. Trừ trường hợp nếu ánh sáng đi xuyên qua chủ đề và phủ rộng khung ảnh (như hình 08), bạn cần chuyển sang chế độ đo sáng theo ma trận (Nikon) hay chế độ ước tính (Canon). Các trường hợp còn lại (như hình 04), bạn nên chỉnh chế độ đo sáng theo điểm. Cố gắng đo sáng tại chủ đề, khóa sáng trước khi bố cục lại hình ảnh. Điều này bảo đảm chủ đề chính luôn đúng sáng. Tuy nhiên, nếu nguồn sáng ló ra từ chủ đề hay ven sáng quá mạnh hay chủ đề của bạn quá tối (độ tương phản cao giữa hai vùng sáng và tối), bạn phải cẩn thận. Trường hợp này đòi hỏi nhiều kinh nghiệm để xử lý, bạn phải tìm ra một vùng sáng trung bình trong bức ảnh và đo sáng tại đó hoặc bạn biết phải hy sinh cái gì để nhận được điều gì. Đây là mấu chốt quan trọng nhất để bức ảnh thành công.
- Điều khó nhất trong phần này, làm sao bạn thấy rõ được chi tiết của chủ đề, trừ trường hợp bạn muốn nhấn chìm nó trong bóng tối. Điều này phụ thuộc nhiều vào cách đo sáng, đèn flash, hướng đứng, khẩu độ và kinh nghiệm của bạn. Đừng quên tận dụng phần bóng đổ của chủ đề phía trước mặt bạn để hình ảnh sáng tạo hơn
- Để bức hình thành công, bạn cần phải làm quen với từng loại nguồn sáng khác nhau. Ngay cả nguồn sáng của bạn là mặt trời, thì độ sáng của nó cũng sẽ khác nhau ở từng thời điểm, nguồn sáng cố định như đèn đường hay đèn flash thì cũng không đơn giản. Bạn cần có kinh nghiệm và thử nghiệm nhiều lần mới khai thác tốt hiệu quả của nó. Cuối cùng, chúng tôi khuyên bạn nên chụp định dạng RAW vì bạn có thể sửa chữa những sai lầm của mình ở hậu kỳ.
Kỹ thuật ngược sáng được nhìn nhận với một triết lý rất thú vị “ ngay cả khi mọi thứ đều sáng tỏ, nhưng không phải lúc nào cũng được nhìn thấy” đó chính là cách chúng ta nhìn mọi vật ngược sáng. Kỹ thuật này được khai thác để tăng sự huyền bí và làm hình ảnh mang tính nghệ thuật nhiều hơn.
Cùng một kỹ thuật nhưng nó đặc biệt được khai thác để làm ra hai vấn đề ngược nhau đó là phơi bày hoặc che lấp. Tuy nhiên đôi khi cả hai yếu tố này được kết hợp với nhau để chuyển tải một ý niệm khai sáng những điều tâm tối hay thấy rõ hai mặt của vấn đề. Ý đồ chuyển tải tâm linh dễ dàng thấy khi dùng kỹ thuật này.
Bài viết nói nhiều đến các thủ thuật và không đề cập sâu đến yếu tố kỹ thuật. Bạn có thể tìm đọc thêm các bài viết kỹ thuật bên trong trang web vnolas.com này. Hy vọng những gì đã nói ở trên có thể giúp bạn có thêm ý tưởng để sáng tạo ra những hình ảnh mới. Và đừng quên chia sẻ nó với chúng tôi ngay sau bài này.
Tổng hợp