Đường nét trong nhiếp ảnh luôn ở xung quanh ta. Nếu biết sử dụng đường nét một cách hiệu quả, bạn có thể tạo độ sâu hoặc độ động cho khung hình của mình.
Ví dụ với bức ảnh trên, trông qua thì có vẻ hợp lý và cũng đẹp, nhưng lại chẳng có gì đặc biệt. Có thể nó thiếu một yếu tố nào đó khiến người xem không cảm nhận được chiều sâu của khung hình.
Giờ hãy thử so sánh với bức ảnh ở dưới:
Bạn có thể cảm thấy ngay được chiều sâu của ảnh. Cảm giác chiều sâu này được tạo thành từ các đường chéo của hường người đi, của các đụn cát, của các cạnh hố vuông..., tất cả đều có vẻ hội tụ và như mất hút phía chân trời khiến cho người xem có cảm giác của một bức ảnh 3 chiều với đầy đủ các yếu tố không gian xa gần rõ rệt. Các đường nét trong ảnh được bôi đỏ để bạn có thể hình dung rõ hơn.
Tất nhiên, không phải tất cả các bức ảnh phong cảnh đều có thể dễ dàng chỉ ra các đường nét như ảnh trên. Hầu hết chúng đều ẩn và thường mang tính liên tưởng nhiều hơn là cụ thể. Ví dụ bức ảnh dưới, hình dạng tam giác của những tảng đá ở tiền cảnh tạo cảm giác về một mũi tên với hướng chỉ về phía xa nơi đường chân trời nơi mặt trời sắp lặn.
Đây chính là ví dụ thực tế về các đường liên tưởng. Chính hình dạng của các tảng đá hình thành nên các đường dẫn vô hình, hướng mắt nhìn của người xem dõi về phía chân trời xa xăm.
Giờ vẫn là bức hình này, nhưng hãy thử nhìn theo một cách khác. Bạn có thể thấy có một đường ngang rất rõ nét trong bức ảnh, đó chính là đường chân trời. Bây giờ điều gì sẽ xảy ra khi bỏ đi các tảng đá ở tiền cảnh, cắt cúp để thành ảnh panorama. Rõ ràng bức ảnh mới đã mang đến một cảm giác mới rất khác biệt. Đường ngang giúp hướng mắt người xem trải dải sang hai bên, từ đó mang đến một cảm giác yên bình và thanh thản. Chính việc cắt cúp chuyển thành ảnh panorama cùng với điểm nhấn đường nét chuyển từ đường chéo thành đường ngang đã tạo nên cảm giác này.
ừ bức ảnh trên, bạn có thể thấy mặc dù khung cảnh nguyên gốc có một số đường nét, nhưng việc bạn căn khung hình như thế nào và quyết định dùng loại đường nét nào sẽ có ảnh hưởng đến cảm giác mà bức ảnh sẽ mang đến cho người xem.
Nguyên tắc cơ bản ở đây là như sau:
Nếu bạn muốn chụp một bức ảnh phong cảnh mang cảm giác thanh bình, yên ả, hãy sử dụng đường ngang.
Nếu bạn muốn chụp một bức ảnh phong cảnh sống động, mạnh mẽ hơn, hãy sử dụng đường chéo.
Trong nhiếp ảnh phong cảnh, ống kính góc rộng thường sẽ làm cho đường nét hướng từ tiền cảnh về phía chân trời trở nên nổi bật hơn.
Đường nét trong từng đối tượng
Không chỉ trong ảnh phong cảnh, trong ảnh đời thường với những chủ thể thông thường, đường nét cũng có một vai trò quan trọng trong việc thể hiện ý đồ cảm xúc của người chụp. Bạn nên thường xuyên tự luyện khả năng phát hiện đường nét và cách thức dùng đường nét trong từng khung hình của mình. Nên nhớ, đường nét không chỉ là các đường thẳng, mà có thể cả các đường cong. Nó có thể rất rõ ràng, hay có thể chỉ là các đường tưởng tượng. Ví dụ ở bức ảnh chụp biểu tượng con báo trên nắp ca-pô xe hơi dưới đây, người chụp đã xoay hướng chuyển động của con báo thành đường chéo để tạo một cảm giác chú báo này đang thực sự chồm lên phía trước.
Giờ hãy so sánh với bức ảnh dưới sử dụng đường dọc. Đường này được tạo bởi một vế câu đối màu đỏ, cộng thêm với gờ dọc của bức tường gỗ. Một sợi dây màu đỏ chạy ngang xuyên suốt các đường dọc để phá tính đơn điệu. Nhưng rõ ràng các đường ngang dọc này không tạo được một cảm giác chuyển động như với đường chéo ở hình trên.
Đường nét luôn ở xung quanh ta và chúng là một công cụ hữu hiệu giúp bạn tạo nên được những bức ảnh hấp dẫn và ấn tượng. Tuy nhiên, để sử dụng đường nét một cách hiệu quả nhất, thì nguyên tắc cơ bản là phải chọn những bố cục càng đơn giản càng tốt. Các bức ảnh với bố cục phức tạp sẽ làm người xem sao nhãng việc chú ý tới các đường nét. Việc đơn giản trong bố cục khung hình sẽ khiến cho các đường nét nổi bật hơn và hiệu quả hơn.