Cách đây tròn 150 năm, nhà vật lý người Scotland James Clerk Maxwell đã công bố một phát minh được cả thế giới đón nhận: tấm hình màu đầu tiên.
Nghiên cứu trong lĩnh vực quang học hướng ông tới giả thuyết "ba màu" vào năm 1855. Mắt người chỉ nhạy cảm với ba vùng quang phổ (gần ứng với vùng da cam, xanh lá cây và xanh lam trên quang phổ), do đó Maxwell tính toán chỉ cần dùng ba nguồn sáng đỏ, lục, lam là có thể tạo ra cảm giác về hầu hết màu sắc. Việc ghép 3 màu này lên nhau với vị trí chính xác cũng có thể đánh lừa mắt người rằng họ đang xem một bức ảnh màu.
Tấm ảnh màu đầu tiên trên thế giới của James Clerk Maxwell.
Để chứng minh hiệu ứng này, ông và nhiếp ảnh gia Thomas Sutton chụp một tấm vải ca-rô ba lần, mỗi lần với một kính lọc màu khác nhau đặt trước ống kính. Tuy nhiên, về mặt vật lý, nhũ tương Maxwell sử dụng để chụp ảnh chỉ ghi nhận nguồn sáng xanh lam còn không phản ứng gì trước ánh sáng đỏ và đáng lẽ, ảnh màu theo phương pháp này đã không ra đời. Nhưng hóa ra, chất thiocyanate sắt ông dùng làm bộ lọc đỏ lại cho phép một lượng lớn ánh sáng cực tím đi qua và những sợi vải được nhuộm đỏ có xu hướng phản chiếu ánh sáng cực tím như là màu đỏ. Nghĩa là, màu đỏ ông ghi nhận được không phải màu đỏ thực, mà là hiệu ứng từ cực tím, lục - lam và quang phổ lam. Sau khi tráng phim, ba ảnh được chiếu lên bằng ba máy chiếu khác nhau, mỗi máy gắn kích lọc màu giống màu của kính lọc đã sử dụng để chụp bức ảnh đó. Chúng được căn chỉnh và xếp chồng lên nhau, tạo ra hình màu gần giống như thật và giúp Maxwell thành công trong việc tạo ra ảnh màu đầu tiên trên thế giới.
Một số hình được tạo từ phương pháp chụp ảnh đen trắng và sử dụng ba bộ lọc màu đỏ lục lam:
Bức ảnh được Louis Ducos du Hauron chụp năm 1877.
Ảnh được Sergei Mikhailovich Prokudin-Gorskii chụp trong khoảng thời gian 1909-1915.