Đó là chụp ảnh cá mập, rừng rậm Amazon, chụp từ máy bay phản lực và leo núi.
Dưới đây là tổng kết của trang Popphoto.
Hàm cá mập.
Amos Nachoum Nachoum chụp ảnh hàm cá mập với máy phim Canon EOS-1v, ống 15mm f/2.8L Canon EF Fisheye với tốc độ 1/160 giây, độ mở f/11.
Nhìn bức ảnh, bạn có thể nghĩ ngay đến việc nhiếp ảnh gia này thật quá mạo hiểm vởi cá mập có thể đớp anh ta bất kỳ lúc nào. Trong trường hợp này, điều đó gần đúng bởi nó đã táp được vào lớp vỏ chụp dưới nước của chiếc máy ảnh.
Nhiếp ảnh gia Amos Nachoum chụp ảnh này tại vùng biển phía Nam của Nam Phi bằng cách nằm trên một thuyền nổi chuyên dụng cho các thợ lặn, nửa người nhô ra ngoài mặt nước. Một thợ lặn khác đứng trên thuyền, giữ lấy thắt lưng của anh. Họ bắt đầu thả mồi xuống nước để nhử cá mập với một sợi dây được điều khiển bởi một thợ lặn khác. Khi con cá mập lao tới và bắt đầu há mồm để đớp ngay phía trước ống kính, người thợ lặn điều khiển mồi giật mồi lên khiến cho nó đớp trượt và nhiếp ảnh gia này đã kịp chụp gọn hàm răng tua tủa của nó. Nhưng hàm răng này cũng đã kịp táp vào vỏ chụp dưới nước của chiếc máy ảnh. Người thợ lặn vì an toàn của Nachoum nên đã giật anh lên nhưng con cá mập vẫn không nhả bộ vỏ này ra. Cuối cùng họ phải thả lại nhiếp ảnh gia này xuống nước để giằng giật lại, và con cá mập cuối cùng cũng chịu từ bỏ. Trong lúc giằng giật nhiếp ảnh gia này cũng cố bấm thêm vài kiểu nhưng kiểu đầu tiên anh chụp vẫn gây ấn tượng nhất. Khi được hỏi đây có phải bức ảnh gây sợ hãi nhất với mình hay không, nhiếp ảnh gia này cho biết thực ra thời điểm đáng sợ nhất với mình là khi anh đi chụp gấu Bắc cực ở dưới nước. Anh cho biết các cuộc nghiên cứu cho thấy gấu trắng chỉ có thể lặn tối đa gần 10m. Vì thế với bộ đồ lặn, anh đã lặn ở vị trí hơn 10m phía dưới con gấu và chụp hất lên mặt nó. Tuy nhiên con gấu khi nhìn thấy anh phía dưới đã lao xuống khiến anh bỏ dở việc chụp ảnh và phải lặn xuống sâu hơn. Khi đến mức 20m anh vẫn thấy con gấu bám đuổi theo mình. Chỉ đến khi xuống độ sâu 25m con gấu mới chịu từ bỏ và ngoi lên mặt nước.
Rừng rậm Amazon.
Pete McBride chụp ảnh này với ống Tokina 10–17mm f/3.5–4.5 AT-X fisheye, thân Nikon D300, tốc độ 1/50, độ mở f/6.3, ISO 800.
Dù là người đầu tiên lội qua toàn bộ chiều dài của sông Amazon, người trong ảnh, nhiếp ảnh gia Ed Stafford vẫn có một bộ mặt đầy lo lắng, bởi theo người chụp, nhiếp ảnh gia Pete McBride tiết lộ trong tạp chí Men’s Journal, “chúng tôi phải đi dọc theo vùng ngập nước của khu rừng, cứ thế lội qua nó với hy vọng sẽ tìm được chỗ nào khô ráo ở phía trước, nhưng cuối cùng chúng tôi đã phải lội như vậy suốt 5, 6 tiếng đồng hồ. Ed muốn tìm chỗ khô ráo bởi có rất nhiều thứ nguy hiểm rình rập khi ở dưới nước như rắn, cá tăm (candiru), cá chình điện… trong khi nước thì đen ngòm và không nhận thấy được mình đang bước trên cái gì. Những khúc gỗ, cành cây trên đường có thể rất sắc và nhọn hoặc có thể gãy bất kỳ lúc nào. Cả quãng đường là một sự im lặng với cảnh vật đẹp nhưng rợn người như thể đang đi giữa vũng lầy tăm tối của những ác mộng tồi tệ nhất”. Không lâu sau khi bức hình trên được chụp, một con cá chình điện dài cỡ 2m đã bơi giữa hai chân của McBride. Điện của con cá này có đủ sức làm giật tung người và ngã xuống mặt nước. “Cũng may là tôi không biết sự hiện diện của nó, nếu không có khi chính sự giật mình và lo sợ của mình sẽ làm nó quay sang tấn công mình”, anh nói. Thêm vào đó còn là mối nguy từ những con cá tăm chuyên hút máu người mà theo những người dân vùng Amazon, nó sẽ chui vào hậu môn và ở lỳ trong đó mà hút máu.
Chụp từ máy bay phản lực.
Tyler Stableford chụp từ máy bay phản lực xuống. Thiết bị sử dụng: Canon EOS 5D Mark II, ống 15mm f/2.8 Canon EF Fisheye, tốc độ 1/800, độ mở f/6.3, ISO 200.
Với hợp đồng chụp ảnh cho tạp chí 5280 vùng Denver, nhiếp ảnh gia Tyler Stableford được bay trên chiếc phản lực F-16D. Mang theo 3 chiếc máy ảnh, nhưng anh cho biết anh không được phép sử dụng dây đeo máy do buồng lái đầy các hệ thống tay cầm điều khiển, rất dễ vướng. Chính vì thế anh phải đặt 2 chiếc trong túi máy ảnh luôn mở ở cạnh sườn, chiếc còn lại luôn cầm trên tay. Hầu hết chuyến bay anh chỉ sử dụng 5D Mark II và ống 15mm để quay phim và chụp ảnh. Anh nhớ lại: “Chúng tôi bay từ độ cao 1.500 km tới 4.800 km chỉ vài giây với tốc độ kinh người, và lúc đó tôi chỉ cố tập trung sao cho mình khỏi ngất đi, máy ảnh để trước ngực và cứ thế bấm máy”.
Chụp ảnh leo núi.
Boone Speed chụp nhà leo núi Chris Sharma với máy Canon EOS-1D Mark III, ống 70–200mm f/2.8L Canon EF, tốc độ 1/500, độ mở f/2.8, ISO 2000.
Đây là ảnh nhiếp ảnh gia Boone Speed chụp nhà leo núi Chris Sharma tại Red River Gorge, Kentucky (Mỹ) từ trên xuống. Lưu ý, nhiếp ảnh gia này không phải đi trực thăng, mà chính bản thân anh cũng là nhà leo núi tầm cỡ thế giới. Trong trường hợp này, cả hai leo bằng đường khác lên trên, sau đó Chris giúp Boone Speed neo các dây thừng để có tư thế treo mình hợp lý cho việc chụp ảnh. Sau đó, Chris quay xuống dưới và bắt đầu leo lên bằng đường vách. Theo Speed, bức hình này dành riêng cho Chris, vốn được rất nhiều người đánh giá là tay trèo giỏi nhất thế giới, bởi đây là con đường rất khó khăn và cũng là lần đầu tiên anh leo. Khi được hỏi điều gì khiến anh lo sợ nhất, Boone Speed cho biết anh còn chẳng có thời gian để mà lo sợ. “Khi bạn đang treo mình trên dây thừng, bạn chỉ còn tập trung toàn bộ sức lực vào việc làm thế nào để giữ thăng bằng với mắt luôn hướng về chủ thể cần chụp. Những khoảnh khắc sợ hãi nhất là khi bạn có đủ thời gian để mà sợ, như là khi bạn đang ở con đường tuyết sắp lở và có thể thấy được từng tảng tuyết phía trên đang dần mất độ ổn định dưới ánh nắng mặt trời. Tôi đã từng ở một vài chỗ như thế và đó mới là cảm giác sợ thực sự”, anh nói.