PG phải đối diện với sự trêu ghẹo, sàm sỡ của khách hàng nam và những cám dỗ trước tiền bạc.
Với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam, nghề PG ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành công việc làm thêm lý tưởng đối với nữ sinh viên ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Tp Hồ Chí Minh...Tuy nhiên, đằng sau lớp vỏ bọc hào nhoáng ấy là những góc khuất, những câu chuyện bi hài không biết tỏ cùng ai.
Nghề “PG” là gì? “PG” viết tắt cho cụm từ "Promotion Girl" - Gái tiếp thị. Họ là những cô gái trẻ trung, xinh đẹp, đảm nhiệm nhiều công việc, từ việc đứng giới thiệu sản phẩm, làm mẫu ảnh, bán hàng khuyến mại cho đến giới thiệu game online, dẫn chương trình sự kiện...
Để có thể tham gia vào đội ngũ quảng bá cho một sản phẩm, những nữ PG phải trải qua một quy trình tuyển chọn vô cùng khắt khe. Và yếu tố đầu tiên để tuyển PG là lựa chọn những cô gái cao trên 1m65, mặt mũi ưa nhìn, khả năng giao tiếp tốt.
Ở Việt Nam, hình thức phổ biến nhất là PG cố định, đứng giới thiệu sản phẩm tại ngay chỗ làm và PG làm theo giờ xuất hiện trong các bữa tiệc, lễ khai trương, với ngày công từ 100.000 - 500.000 đồng. Nếu chăm chỉ tham gia các sự kiện hoặc có vốn ngoại ngữ khá, PG không chỉ được các công ty tổ chức sự kiện săn đón mà còn có thể bỏ túi từ 5.000.000 -7.000.000 đồng mỗi tháng.
Thay vì chỉ gói gọn trong các hãng thuốc lá, rượu ngoại, nghề PG hiện nay đã phát triển rộng khắp trên nhiều loại hình sản phẩm như: sữa tắm, dầu gội đầu, nước giải khát, các sản phẩm điện tử.
Bạn Hà Anh (Sinh viên năm 3, đại học Hà Nội) cho biết: “Mình làm PG được gần hai năm, ngay từ lúc mới chân ướt chân ráo vào đại học. Mình thích công việc này vì không bị gò bó về thời gian, vừa đảm bảo được việc học trên lớp lại vừa kiếm được tiền. Một ca làm từ khoảng 6 tiếng thì mình được trả trung bình 300.000 nghìn đồng”.
Mặc dù thích thú với những lợi ích nghề PG mang lại như: thu nhập cao, nâng cao kỹ năng giao tiếp nhưng Hà Anh khẳng định, cô không có ý định gắn bó lâu dài với công việc này.
Lường trước được sự phức tạp của nghề PG, Hà Anh chỉ dám nhận làm tiếp thị bánh cho một nhãn hàng lớn tại siêu thị, vậy mà, cô vẫn bị một nhóm khách hàng nam có hành vi khiếm nhã trêu nghẹo. Hà Anh chia sẻ: "Mình phản kháng và phàn nàn với chị quản lý. Ai ngờ chị ấy cười, bảo rằng làm nghề này thì phải biết nhịn, tuyệt đối không được to tiếng với khách hàng. Buổi hôm đó, lẽ ra mình được trả 100.000 nhưng lại bị phạt mất 20% tổng tiền vì không làm hài lòng khách.
Hà Anh cũng cho biết, chuyện nợ lương hoặc bùng lương PG là chuyện thường tình.
Học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, kỹ năng và khả năng đánh giá còn hạn chế nên rất dễ bị lợi dụng bởi các công ty, trung tâm đào tạo PG không đảm bảo. Nếu là PG tự do, nghĩa là không thuộc quyền quản lý của bất cứ tổ chức nào, sau mỗi ca làm PG sẽ được nhận tiền luôn ca đó nhưng việc làm của họ chỉ mang tính chất thời vụ, lúc nào có việc mới đi.
Còn nếu PG được tuyển dụng bởi các công ty, trung tâm đào tạo PG, họ sẽ hạn chế được cảnh ngồi chờ việc. Tuy nhiên, tiền lương của họ sẽ phải trích phần trăm cho các công ty quản lý và đến bao giờ mới được nhận lương từ những công ty này là chuyện khó nói trước.
Không phải ai cũng có đủ trải nghiệm, vốn sống để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt này (Ảnh minh họa)
Khác với Hà Anh, Nguyễn Thu Thảo (sinh viên năm 2, đại học Ngoại Thương) mới bước vào nghề PG được ba tháng. Cho đến tận hôm nay, cô bạn vẫn không quên được “câu chuyện thật như đùa” về buổi đi làm đầu tiên của mình. Thảo xin việc làm PG qua một trung tâm môi giới. Ban đầu, trung tâm giới thiệu cô đến làm PG cho nhãn hiệu thực phẩm chức năng. Vì còn non nớt, thiếu kinh nghiệm nên cô nhanh chóng nhận lời mà không tìm hiểu kỹ. Đến khi đi làm, Thảo mới biết thực phẩm chức năng là thuốc tráng dương. Cô cảm thấy xấu hổ nên đã bỏ việc luôn, không dám quay lại rung tâm môi giới lấy tiền hoa hồng.
Những trải nghiệm của Thu Thảo và Hà Anh chỉ là một mảnh nhỏ trong bức tranh toàn cảnh nghề PG vốn đã nhiều mảng tối.
Hồ Thị Ngọc (cựu sinh viên đại học Bách Khoa), một PG có thâm niên 5 năm trong ngành đắng lòng kể lại: “Mình không hiểu tại sao có nhiều người lại cho rằng công việc PG là sung sướng. Có lần mình đi tiếp thị rượu ở quán bar, bị sàm sỡ đã đành, còn bị khách hàng gạ tình. Những bạn có bản lĩnh có thể vượt qua được nhưng rất nhiều bạn PG khác, trong đó có bạn bè mình bị cám dỗ trước lời chào mời của khách để rồi dẫn đến cuộc sống sa đọa".
Khó khăn đến từ bản thân nghề nghiệp, đối với các nữ PG không bao giờ đáng sợ bằng định kiến xã hội.
Do giờ giấc công việc đi sớm về khuya, lại hay phải trang điểm đậm, không ít lần Ngọc bị hàng xóm xì xào, bàn tán sau lưng. Thậm chí còn có người hỏi thẳng bố mẹ cô, con gái làm việc gì mà đi tít mít đêm hôm khuya khoắt mới về nhà. Bản thân bố mẹ Ngọc cũng ngăn cản cô theo đuổi công việc PG vì cho rằng, đây là thứ việc chỉ có loại hư hỏng mới làm.
Hay như Hà Anh, bạn tâm sự rằng: “Mình chọn làm PG cho những công ty có tên tuổi, tiếp thị sản phẩm lành mạnh nhưng vẫn bị trêu nghẹo. Chính sự thiếu thiện cảm, thiếu tôn trọng với nghề PG chính là nguyên nhân khiến những cô gái đang làm công việc này bị bắt nạt, lợi dụng.
Bên cạnh những thách thức, những câu chuyện không vui, nghề PG đã mang đến cho những cô gái trẻ không ít cơ hội để thay đổi, để học hỏi và nâng cao bản thân.
Thu Thảo vừa mới nhận việc làm PG cho công ty du học. Cô bạn cho biết, đây là cơ hội để trau dồi thêm vốn ngoại ngữ, tập giao tiếp với người nước ngoài đến tham gia hội thảo du học. Bạn phải đi cùng với các anh chị trong đoàn PG đặt phòng khách sạn, đón tiếp đoàn khách nước ngoài, đi cùng họ đến một vài trường THPT để làm công tác tuyên truyền.
“Sau chuyến này thấy mình lớn hơn nhiều. Có nhiều việc mà từ trước đến giờ toàn bố mẹ chỉ bảo, bây giờ mới biết tự tay làm” – Thảo chia sẻ.
Ảnh minh họa
Sau nhiều năm làm PG, Hồ Thị Ngọc đã tích lũy được một số vốn vừa đủ để mở quán cà phê. Mặc dù công việc vất vả, gặp phải sự phản đối của bố mẹ nhưng nghề PG đã giúp cô bạn sớm độc lập về mặt kinh tế. Dù mới ra trường, chưa xin được việc làm nhưng cô không phải ngửa tay xin tiền bố mẹ.
PG thực sự là những cô gái quan trọng với bất cứ sự kiện nào. Đây cũng là công việc thời vụ phù hợp với các nữ sinh viên tăng thêm thu nhập. Nhưng làm PG không đồng nghĩa với việc chân dài mặc váy ngắn như nhiều người nghĩ.
Những cô gái theo đuổi công việc PG, bản thân họ cần phải có một bản lĩnh vững vàng để chống chọi được với những cạm bẫy, những thách thức, khó khăn trong công việc. Rất nhiều cô gái làm PG bị sa ngã trước những cám dỗ tiền bạc, giàu sang nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những cô gái như Hà Anh, Thu Thảo, Hồ Thị Ngọc... họ độc lập, bản lĩnh và luôn biết học hỏi những điều tốt đẹp trong công việc.
Tổng hợp