Cũng giống như môn lặn biển, chụp ảnh dưới nước đòi hỏi bạn phải thấu hiểu môi trường lạ lẫm nhưng đầy hấp dẫn này.
Phong cảnh màu sắc rực rỡ, sinh vật lớn nhỏ đầy hấp dẫn dưới biển, và mờ ảo các xác tàu bị đắm đang gỉ sét chỉ là vài chủ đề nhiếp ảnh đang chờ đợi bạn cùng chiếc máy ảnh chụp dưới nước.
Chọn lựa trang thiết bị là một phần quan trọng của môn nhiếp ảnh dưới nước. Ngoài ra, bạn cần hiểu được vài khó khăn sẽ gặp phải khi ở dưới biển.
Điều quan trọng nhất mà bạn phải biết là nước có độ đậm đặc gấp gần 800 lần so với không khí. Điều này không có gì mới, nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến việc chụp ảnh dưới nước.
Nước hấp thu ánh sáng, điều này có nghĩa là các màu sắc riêng biệt (mỗi màu có một bước sóng khác nhau) sẽ không còn nữa khi các sóng ánh sáng tương ứng của chúng bị hấp thu. Màu đỏ là màu đầu tiên bị mất và hoàn toàn mất đi ở độ sâu từ 4,5m đến 6m. Màu cam là màu kế tiếp, sau đó là màu vàng. Do đó ảnh chụp không dùng đèn flash thường có màu xanh dương hay lục. Cách duy nhất để mang màu sắc lại khi chụp ảnh dưới nước là dùng đèn flash hay nguồn ánh sáng nhân tạo khác.
Nếu bạn dùng đèn flash có sẵn trong máy ảnh, flash phải được mở lên, và bộ khuếch tán flash bằng nhựa của hộp chứa máy phải được lắp đặt vào (nếu có) khi khoảng cách từ máy ảnh đến vật thể không xa hơn 1m đến 1,2m (ánh sáng flash phải đi từ máy ảnh đến vật thể và về lại, đó không phải chuyện dễ).
Khi chụp từ khoảng cách xa hơn 1,2m, bạn phải tắt flash đi. Flash không còn hiệu quả nữa, và quan trọng hơn nữa là ánh sáng sẽ bị dội trên các hạt tạp lúc nào cũng có trong nước và sẽ tạo ra hiện tượng tán xạ ngược – một hiệu ứng giống như ảnh được chụp trong một trận bão tuyết.
Có thể lắp thêm vào bên ngoài hộp chứa một hay hai choá đèn có cần chỉnh được, để có thể chiếu sáng rộng hơn và mạnh hơn. Choá đèn có thể đặt ở góc độ sao cho ánh sáng không chiếu thẳng vào các hạt tạp. Bằng cách này, bạn có thể chiếu sáng vật thể tốt hơn và tránh được hiện tượng tán xạ ngược.
Khi chụp có flash, bạn có thể thiết lập cân bằng trắng (white balance) ở chế độ tự động, ánh sáng ngày (nên để ở chế độ này), hay flash. Khi chụp không flash, các chọn lựa cân bằng trắng có thể là dưới nước (có trên vài mẫu máy nhỏ gọn), có mây (cloudy), hay tuỳ biến. Các thiết lập dưới nước và có mây sẽ giúp làm cân bằng hiện tượng màu bị quá xanh.
Với thiết lập tuỳ biến, hãy dùng một bảng viết của thợ lặn để cân chỉnh độ cân bằng trắng bằng thủ công và nhớ phải thay đổi mỗi 3m đến 6m, hay khi ánh sáng thay đổi. Chụp theo định dạng RAW hay RAW+JPEG là một tuỳ chọn khác, nếu sau này bạn cần sử dụng Adobe Camera RAW hay một chương trình tương tự có trong máy ảnh để xử lý.
Độ đặc của nước, cùng với độ trong của nước, cũng ảnh hưởng đến độ tương phản (contrast), độ nét (sharpness) và các thuộc tính hình ảnh khác, nên quan trọng là chụp vật thể càng gần càng tốt. Đó là lý do tại sao chụp góc rộng và chụp macro là 2 tiêu cự thích hợp nhất để chụp ảnh dưới nước. Ngay cả khi không có flash, chụp qua một khoảng nước xa cũng giống như chụp qua một cửa kính đầy bụi.
Thời gian tốt nhất trong ngày để chụp dưới nước là khoảng giữa 10 giờ sáng và 2 giờ chiều, lúc đó mặt trời ở vị trí cao nhất trên bầu trời. Chỉnh ISO càng thấp càng tốt để tránh bị nhiễu ảnh, nhưng nhớ để tốc độ trập (shutter speed) ít nhất là 1/125 giây khi chụp không flash.
Để chụp macro, điều chỉnh khẩu độ (aperture) ở số lớn (khẩu độ nhỏ) khi có thể để có được độ sâu trường ảnh (depth of field) lớn nhất. Nếu máy ảnh của bạn không có bộ điều chỉnh độ phơi sáng thủ công, bạn hãy chỉnh ISO đến khi đạt được tốc độ trập hay khẩu độ mong muốn (các thông số thiết lập này hiển thị trên màn hình LCD khi bạn bấm cửa trập một nửa).
Nếu có đủ độ tương phản, bạn có thể dùng tính năng tự động chỉnh nét (AF), các thiết lập chỉnh nét theo điểm hay chỉnh nét trung tâm cũng dùng được. Bạn cũng có thể gắn một đèn lặn vào hộp máy làm đèn tạo mẫu để trợ giúp AF nếu cần. Tuy nhiên, tốt nhất là nên tránh AF liên tục, vì tính năng này có thể bị rối và gây tốn pin.
Nếu máy ảnh của bạn có tuỳ chọn chỉnh nét thủ công, bạn nên tập dùng tính năng này. Hãy nhớ rằng nếu bạn đo tiêu cự theo thang tuyến tính thì mọi vật dưới nước đều có vẻ gần hơn 25% so với khoảng cách thật sự.
Giống như tính năng AF, chỉnh nét điểm hay chỉnh nét trung tâm là tuỳ chọn tốt nhất để đo tiêu cự. Khi có thể, bạn nên chỉnh cho vật thể nằm đầy khung hình.
Những khái niệm đơn giản
Chụp ảnh dưới nước có thể đơn giản như ngắm và chụp, nhưng các thủ thuật sau đây có thể giúp bạn chụp được các bức ảnh đẹp hơn. Hãy thoải mái với máy ảnh và hộp máy của bạn và thực hành càng nhiều càng tốt.
Chỉ cần nhớ phải chụp ở chế độ góc rộng hay macro, đến gần vật thể hơn, nhớ khi nào phải dùng flash và chỉnh độ cân bằng trắng cho thích hợp, là bạn có thể mang về những bức ảnh tuyệt vời của chuyến mạo hiểm dưới nước.
Trong khi bạn đã biết bạn muốn gì khi chọn máy ảnh hiện thời của bạn, tính năng chỉnh nét lại hơi khác khi chọn một máy ảnh kỹ thuật số dùng để chụp trong môi trường nước. Sau đây là vài điểm chính cần phải xét đến. Hãy nhớ hỏi hãng cung cấp máy ảnh xem họ có hộp đựng máy dùng dưới nước cho mẫu máy của bạn hay không.
- Màn hình LCD độ nét cao lớn và sáng (tốt nhất là có tính năng chỉnh độ sáng). Tránh mua màn hình cảm ứng trừ phi có bộ điều chỉnh thủ công.
- Pin có thời gian sử dụng lâu.
- Ống kính góc rộng (thí dụ, 24mm); kiểm tra kỹ xem hộp máy có đầy đủ góc nhìn cho ống kính khi ở thiết lập góc rộng nhất không.
- Chế độ chụp macro có thể chỉnh xuống tối thiểu một vài cm.
- Tuỳ chọn cân bằng trắng dưới nước và/hay thủ công.
- Hoạt động tốt trong môi trường ánh sáng yếu và ít bị nhiễu ảnh.
- Có khả năng hiển thị thiết lập tốc độ trập và khẩu độ trên màn hình LCD, dù đó là mẫu máy ngắm-chụp.
- Có thể chọn thủ công điểm lấy nét (không bắt buộc).
- Điều chỉnh được độ sáng của flash (không bắt buộc).
- Chỉnh nét thủ công (không bắt buộc).
- Khả năng phóng to một phần ảnh để kiểm tra độ nét trước khi chụp (không bắt buộc).
Tổng hợp