Điều khiển thiết bị bay mô hình có gắn máy quay phim (gọi tắt là flycam) đang trở thành một nghề hấp dẫn, được kỳ vọng thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm trong năm 2013.
Theo những thành viên CLB Hàng không phía Nam, các nhóm chơi flycam ở TP.HCM hiện chỉ 2-3 nhóm.
Cần ít nhất ba người phối hợp để điều khiển tốt flycam
Ngành phim ảnh Việt Nam bao gồm phim truyện, phim quảng cáo, phim ca nhạc… rất cần những góc quay lạ, độc đáo. Cách đây vài năm, để có một cú máy với đại cảnh quay từ trên cao, các nhà làm phim thường phải sang tận Hong Kong thuê dịch vụ với kinh phí mỗi lần bấm máy 15.000-20.000 USD. Nay chi phí ấy giảm đến hơn 20 lần nhờ những “đội bay” Việt.
Từ cuộc chơi mô hình…
Cuối tuần, dân chơi điều khiển trực thăng mô hình thường gặp Lê Trần Trung ở các bãi tập bay thuộc khu vực quận 2, quận 9, sân bay Biên Hòa... Trong nhóm CLB Hàng không phía Nam, Trung là tay chơi trẻ, vào nghề từ giữa những năm 2000 với đam mê ban đầu là điều khiển xe mô hình, dần chuyển sang điều khiển trực thăng.
Trung kể: “Tôi học những kỹ năng điều khiển máy bay trực thăng từ mô hình giả lập trên máy tính, và học từ kinh nghiệm của các anh em trong CLB Hàng không. Cái thú vị của môn chơi này là đem lại kỹ năng điều khiển và định hướng tốt, vì khi mô hình bay mang tính không gian đa chiều, đòi hỏi có nhiều thời gian tập luyện chứ không đơn giản như điều khiển xe mô hình chạy trên mặt đất”.
Vừa chơi trực thăng điều khiển lại thích nhiếp ảnh, Trung cùng bạn đồng học ở Trường quốc tế RMIT tính chuyện kết hợp hai sở thích này. Vạn sự khởi đầu nan, điều khiển trực thăng mô hình có gắn máy ảnh bay rất ổn, nhưng do động cơ máy rung khiến các hình ảnh khi chụp không đạt như ý muốn. Lại thêm những tính năng hạn chế khi sử dụng trực thăng là muốn tải được nặng thì máy phải lớn, kích thước cồng kềnh nên khó vận chuyển. Nhưng rủi ro cao nhất là xác suất rớt máy bay rất cao.
Qua thông tin tìm trên các trang mạng, Trung và người bạn Phạm Thiên Đăng tiếp tục cập nhật mô hình bay sử dụng nhiều động cơ (multi-rotor), đặt hàng mua gửi về Việt Nam và mày mò, lắp ráp với sự hỗ trợ của một giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM để hình thành nên chiếc flycam đầu tiên của nhóm.
Nhưng nói như Trung thì: “Mô hình bay này có lợi điểm là độ an toàn cao, gọn nhẹ, xài năng lượng điện nên máy ít rung. Nhưng chỉ bay chơi cho vui chứ chưa tạo ra sự khác biệt vì là chiếc đầu lắp ráp nên các thiết bị không đồng bộ, hệ thống GPS mặt đất chưa tốt nên điều khiển không được hoàn toàn theo ý muốn”.
… Đến máy quay chuyên nghiệp
Trên bãi đất trống sau siêu thị Metro ở quận 2, Trung cùng nhóm bạn đang lắp ráp các bộ phận chiếc flycam tám cánh chuẩn bị buổi tập dượt. Đây là chiếc flycam thứ ba của nhóm.
Đăng giải thích: “Đây là flycam hoàn thiện nhất của nhóm. Tụi mình phải trả giá khá nhiều cả về thời gian lẫn tiền bạc cho lần mua đồ lắp ráp từ hai cái trước, nhiều bộ phận mua về không dùng được. Mỗi lần chọn linh kiện lại có thêm một kinh nghiệm, gom góp chọn mua thiết bị từ nhiều nguồn, đến khi chuyển về đến Việt Nam để lắp ráp một flycam hoàn chỉnh cũng mất gần ba tháng mới xong”.
Các buổi bay thử nghiệm để tập dượt các cú máy trước khi bấm máy chính thức
Từ bãi đất trống khu sân bóng, Trung điều khiển chiếc flycam theo những đường bay thấp định sẵn, rồi đến những cú lướt nâng độ cao vút lên không trung. Nhìn chiếc flycam thật đơn giản, chỉ với những ống tròn gắn cánh quạt đều làm từ sợi cacbon cùng hệ thống pin và dây điện kết nối gọn gàng, chiếc flycam này có thể tải được trọng lượng 4kg, đủ cho một máy quay chuyên nghiệp phục vụ sản xuất phim ảnh chất lượng cao.
Nhờ kinh nghiệm điều khiển trực thăng mô hình nên khi chuyển sang flycam, Trung thích ứng khá nhanh và là “phi công” chính của nhóm, đảm trách những “phi vụ bay” quan trọng. Từ cuộc chơi mang tính mò mẫm ban đầu, hiện nay nhóm của Trung đã dần trở thành chuyên nghiệp, tham gia quay phim truyện, phim truyền hình, phim quảng cáo, ca nhạc… sử dụng flycam.
Buổi tập hôm nay là buổi cuối tổng dượt máy móc và thiết bị để cả nhóm - nay đã được đặt tên hẳn hoi là AFS, gồm năm thành viên - chuẩn bị lên đường ra Phan Thiết quay một video clip ca nhạc với nhiều cảnh quay từ trên không cho nhóm 365 của ca sĩ Ngô Thanh Vân.
Trung cho biết: “Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà nhóm sẽ phải sử dụng các thiết bị máy quay có trọng lượng khác nhau. Và khi trọng lượng thay đổi thì mình phải tập bay tải trọng lượng đó để cân bằng độ ổn định, quen với cảm giác điều khiển, sau đó ghi lại sức hao hụt của pin máy để tính toán thay pin cho phù hợp. Điều khiển flycam chỉ một sơ suất nhỏ sẽ phải trả giá rất lớn bởi tiền đầu tư cho một chiếc flycam tương đối tốn kém, trung bình gần 30.000 USD, chưa kể thiết bị quay phim đi kèm”.
Với quy trình quay chỉ phải giao hình ảnh chưa qua biên tập, nhóm sẽ phải thực hiện quay đến khi nào đạo diễn hài lòng với cú bấm máy đó thì chuyển sang cảnh khác.
Nhóm AFS tác nghiệp ở Mũi Né, Phan Thiết
Bay 5-10 lần cho mỗi cú máy
Trung giải thích: “Bay chơi thì dễ, nhưng khi đã vào việc thì phải phục vụ theo yêu cầu, và mỗi lần lại mỗi yêu cầu khác nên cũng không đơn giản. Có lần quay quảng cáo, khách hàng sử dụng quá nhiều thiết bị liên lạc không dây làm bộ điều khiển bị mất liên lạc. Cũng may nhờ flycam mình có cài đặt chế độ tự hạ cánh khi mất điều khiển nên không xảy ra hư hại gì. Cũng có nhiều pha gặp sự cố khiến tụi mình phải trả giá khá đắt”.
Trong cảnh quay cho phim sắp phát hành của một đạo diễn Việt kiều, bối cảnh diễn ra trong khu vực đèn năm ngọn Chợ Lớn vào ban đêm, flycam bay cách người điều khiển hơn 100m, cú máy buộc phải bay ở độ cao dưới 2m, ngang tầm vai của các diễn viên trong một pha đánh đấm vì bay cao hơn sẽ vướng dây điện. Khu vực này hẹp, có nhiều nhà phố nên tín hiệu GPS không nhận được, Trung phải điều khiển flycam bằng mắt thường và kinh nghiệm.
Phim trường lại sử dụng quá nhiều khói nên khi cảnh quay bắt đầu, Trung căng thẳng tột độ, flycam bay trong đám khói và mất phương hướng. Với quyết định đảm bảo an toàn cho diễn viên và cả thiết bị, Trung ngắt nguồn điện để flycam tự hạ cánh. Hậu quả flycam bị kéo lê gần 5m, gãy càng và ba cánh quạt, cộng thêm hơn một giờ thay thiết bị và khắc phục sự cố. Cú máy đó phải quay lại đến năm lần, nhưng nhìn gương mặt đạo diễn cực kỳ hào hứng khi xem kết quả, nhóm AFS của Trung và Đăng lúc ấy mới thở phào nhẹ nhõm.
Ở nước ngoài một cú máy hoàn chỉnh dùng flycam được tính giá không dưới 800 USD. Nhưng ở Việt Nam khung giá ấy có thể được tính quay cả ngày. Đăng chia sẻ: “Nghề flycam bây giờ ở TP.HCM chưa gặp cạnh tranh, nhưng không vì thế mà tụi mình tính giá đắt với khách. Năm người tụi mình theo nghề vì đam mê và mong muốn đem đến cho phim ảnh Việt những hình ảnh đẹp và ấn tượng”.
Tổng hợp