Trên các diễn đàn, hội nhóm về ảnh, mỗi khi có một bức ảnh đẹp đươc chia sẻ, không ít những câu hỏi dạng như “bác chụp bằng máy gì, ống gì” được đưa ra. Tuy nhiên, một chiếc máy đời mới, đắt tiền, hiện đại chưa chắc đã làm trình độ chụp của bạn được nâng cao. Dưới đây là các thiết bị cần cho người mới chụp ảnh.
Thân máy
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết hãng máy ảnh hiện nay đều có những sản phẩm thuộc nhiều phân khúc khác nhau. Ngoài mức giá, thiết kế của máy, hệ thống Menu và các nút bấm cũng được thiết kế để phù hợp cho từng đối tượng người dùng.
Về nguyên tắc hoạt động, cơ bản mọi dòng máy đều giống nhau, đều phải tuân thủ những nguyên tắc của ánh sáng và cảm biến ảnh, thế nên chất lượng hình ảnh cũng không quá khác biệt nếu sử dụng trong những điều kiện phổ thông, không quá phức tạp.
Dòng máy dành cho người mới chơi có thân hình gọn nhẹ, vậy liệu sử dụng có thể là nhựa tổng hợp để giảm giá thành, nhưng quan trọng hơn là hệ thống nút bấm, menu đơn giản để chúng ta dễ làm quen khi mới bắt đầu hoặc vừa “lên đời” từ máy PnS.
Một vài gợi ý cho dòng máy này có thể kể đến như: Canon EOS 100D (kèm lens kit), Canon EOS 600D, 700D (kèm lens kit), Canon 60D (chỉ máy), Nikon D3100, D3200, D5100, D5200, D5300 (kèm lens kit), Nikon D7000 (chỉ máy),… hoặc một số sản phẩm máy ảnh mirrorless của Sony A5100, Fujifilm XA-1,…
Nếu so với những chiếc máy chuyên nghiệp, những sản phẩm trên thường bị hạn chế ở một vài thông số kỹ thuật, chẳng hạn độ lớn cảm biến (APS-C so với FullFrame), dải nhạy sáng (ISO), khả năng chụp liên tiếp, số điểm lấy nét, tốc độ lấy nét,… Nếu thành thành thạo ở những chiếc máy này, việc tiếp cận và làm chủ với những chiếc máy chuyên nghiệp sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Trong nhiếp ảnh, vai trò của ống kính không kém, thậm chí là ngang bằng với thân máy. Vì vậy, thay vì đầu tư một chiếc máy cao cấp với lens kit, chúng ta nên mua một chiếc body tầm trung và một vài ống kính để sử dụng trong những hoàn cảnh khác nhau.
Với những người mới chơi, yếu tố nên quan tâm trước hết có lẽ là tiêu cự, sau đó đến khẩu độ của lens. Thông thường, những chiếc máy cho người mới chơi thường đi kèm lens kit 18-55mm, f/3.5 - 5.6 (lens zoom). Dải tiêu cự và khẩu độ này có thể áp dụng trong phần lớn tình huống chụp thông thường, từ phong cảnh, sự kiện cho đến chân dung, đời thường và hầu hết mọi hãng đều có loại ống kit này. Một vài người có “dải nhu cầu” rộng hơn cũng có thể chọn một loại lens zoom có tiêu cự xa hơn hoặc gần hơn, chẳng hạn như 18-135 (Canon, Nikon), 18-200 (Sony Nex).
Với những chiếc lens zoom này, dải tiêu cự có thể đáp ứng trong nhiều tình huống, nhưng cái giá đối lại sẽ là chất lượng quang học chưa thực sự xuất sắc, khẩu độ nhỏ nếu zoom xa và cồng kềnh. Nhưng đây là loại lens nên có với người mới chơi.
Bên cạnh đó, nếu có điều kiện, bạn nên trang bị cho mình một chiếc Prime Lens (lens có tiêu cự cố định - lens fix). Loại lens này ngoài việc có chất lượng quang học tốt hơn một chút (do hệ thống thấu kính đơn giản hơn lens kit) và thường có khẩu độ lớn. Bên cạnh đó, người dùng sẽ buộc phải di chuyển nhiều hơn để căn ke bố cục và độ lớn của chủ thế thay vì đừng một chỗ và zoom xa zoom gần như trước đây, điều này sẽ giúp chúng ta có được cách nhận diện khung cảnh, xác định bố cục một cách chuẩn xác, rất có ích cho việc chụp ảnh sau này.
Tiêu cự cố định mà “newbie” nên có là 35 hoặc 50 (khi nhân với hệ số crop thì chúng lên khoảng 50- 85). Rất may là phần lớn các nhà sản xuất hiện nay cũng có những ống kính fix ở tiêu cực này với mức giá rất tốt. Chẳng hạn Canon có EF 50mm f/1.8 có giá dưới hai triệu đồng nhưng được đánh giá là “phải có” với những người mới dùng Canon hay mới đây là chiếc pancake 40mm f/2.8, gọn gàng mà chất lượng cũng rất tốt so với giá hơn ba triệu. Với người yêu thích Nikon thì chiếc 35mm f/1.8G là lựa chọn đáng có trong balo của người mới chơi bên cạnh lens kit, bởi đây có thể coi là một “tiêu cự vàng”, phù hợp trong nhiều hoàn cảnh và khẩu độ f/1.8 cũng khá lớn.
Phụ kiện, phần mềm hậu kỳ
Nếu sắm đủ body và lens zoom, lens fix, bạn gần như sẵn sàng để tiến bước trên con đường nhiếp ảnh. Tuy nhiên, cũng đừng quên những yếu tố phụ trợ để có thể vươn xa hơn.
- Tripod: Một chiếc chân máy sẽ là người bạn đồng hành giúp chúng ta giữ vững chiếc máy trong trường hợp không muốn, không thể cầm tay. Đơn cử như khi chúng ta muốn chụp cùng một nhóm bạn, việc gắn camera lên tripod là lựa chọn khả thi duy nhất. Tripod cũng sẽ giúp chúng ta có thể trải nghiệm một vài thể loại ảnh “lạ”, chẳng hạn như ảnh phơi sáng: chụp thác nước, dòng nước, dòng xe cộ, trời tối… Người mới chơi có thể lựa chọn một vài mẫu chân máy của Benro, Fotomate, Victory có giá khoảng dưới một triệu đồng.
- Thẻ nhớ: Nên chọn thẻ nhớ có dung lượng khoảng 8-16GB, class 10 trở lên để có thể lưu được cả những tấm ảnh RAW.
- Túi máy ảnh: Chiếc túi không giúp bức ảnh đẹp lên, nhưng sẽ giúp bảo quản chiếc máy, ống kính, phụ kiện của chúng ta trong những chuyến đi. Một vài loại túi chuyên dụng cho thao tác lấy máy được nhanh chóng, giúp chúng ta không bỏ lỡ những khoảnh khắc bất ngờ.
- Tủ chống ấm: Bảo quản máy và ống kính khỏi ấm mốc, điều tối kỵ với những thiết bị ghi hình.
- Phần mềm chỉnh ảnh: Ảnh chụp từ những chiếc DSLR có thể có chất lượng hình ảnh rất tốt, nhưng chưa chắc đã đẹp. Chưa kể đến nhiều trường hợp chúng ta bắt vội khoảnh khắc và không kịp căn ke, điều chỉnh các thông số phù hợp. Khi đó một phần mềm hậu kỳ như Adobe Lightroom hoặc ACDSee sẽ phát huy tác dụng.
Ngoài ra, các trang bị như flash rời, filter, hood, dây đeo máy… cũng nên được người mới chơi lưu ý khi sắm một bộ gear cho mình.
Tổng hợp