Những bức ảnh chụp dưới nước đẹp đáng kinh ngạc này là sản phẩm của một chiếc máy du lịch đấy, bạn có tin được không?
Bức ảnh tuyệt đẹp được chụp bởi chiếc máy du lịch bên trên đã mang về cho nhiếp ảnh gia Anuar Patjane Floriuk giải nhì ảnh đơn, hạng mục Ảnh thiên nhiên của giải thưởng Ảnh báo chí thế giới 2016 – giải thưởng thường niên tôn vinh các phóng viên ảnh, các nhiếp ảnh gia thể thao, các nhiếp ảnh gia thiên nhiên xuất sắc nhất khắp thế giới. Trong vài tuần tới đây, Tech Insider sẽ công bố một số cuộc phỏng vấn với những người đoạt giải, trong đó có cuộc trò chuyện với Anuar Patjane Floriuk về nghề nghiệp, dụng cụ chụp ảnh cũng như quá trình chụp ảnh dưới nước của anh.
Chụp ảnh dưới nước đem lại cảm giác hoàn toàn tự do, bay bổng.
Ở tuổi 34, Floriuk đã dành nửa cuộc đời cho việc ngụp lặn dưới nước – anh bắt đầu lặn năm 17 tuổi.
Anh chia sẻ mẹ anh là một nhà sinh học biển, vì vậy, bà luôn nói với anh những câu đại loại như “Con phải lặn, con phải cố gắng”.
Bài học đầu đời của anh diễn ra tại những vịnh hẹp dọc bờ biển Na-uy nhưng đất liền mới là nơi anh gắn bó suốt những năm tháng sinh viên. Chuyên ngành của anh là xã hội học và anh thường tham gia các lớp học về nhiếp ảnh dành cho các nhà dân tộc học.
Anh cũng nói thêm rằng vào năm năm trước, anh phát hiện ra một nhóm tại Mexico nơi anh sống thích thám hiểm những nơi đặc biệt.
Và rồi anh lặn trở lại, tận dụng mọi cơ hội để theo chân đoàn thám hiểm.
Anh cho biết “Đôi khi bạn cảm thấy lặn đem lại cảm giác thật tuyệt vời. Bạn vừa muốn chia sẻ vừa muốn lưu giữ lại cảm giác tuyệt vời này. Vì thế nên tôi muốn mọi người cùng tận hưởng trạng thái thư giãn hoàn toàn thông qua những bức ảnh của mình – một cảm giác thực sự bình yên”.
Hầu hết các tác phẩm của Floriuk là các bức ảnh đen trắng chụp lại thế giới dưới nước có sức gợi tả cao bắt lại khoảnh khắc bình yên giữa không gian thiên nhiên. Công việc chủ yếu hiện tại của anh là chụp những tấm ảnh thiên nhiên dưới nước và đôi khi là cả trên đất liền.
Không giống với các nhiếp ảnh gia chụp về thiên nhiên khác, Floriuk thích đưa hình ảnh con người vào trong các tác phẩm của mình. Floriuk giải thích rằng “ Tôi là một nhà nhân chủng học. Tôi yêu nhân loại. Tôi cho rằng loài người cũng là một loài sinh vật trong tự nhiên. Hơn nữa, sẽ là dối trá nếu như một nhiếp ảnh gia cố hạn chế sự xuất hiện của con người trong các tác phẩm của mình bởi thực tế là chẳng có nơi đâu lại không có dấu chân của loài người cả. Bạn có thể chụp một con sư tử giữa một góc trời lồng lộng không một bóng người nhưng quang cảnh đó hoàn toàn chỉ là dàn dựng vì ngay cả ekip chụp ảnh cũng rất đông đúc rồi”.
Một tác phẩm màu từ anh. Dòng máy Nikon D800 là lựa chọn hàng đầu của Floriuk khi chụp ảnh màu.
Tình bạn đóng vai trò rất quan trọng trong những chuyến tàu thám hiểm không có wi-fi, không có tín hiệu mạng di động, chỉ có bốn bề mênh mông sóng nước, những sinh vật bí ẩn dưới đáy biển, và những người bạn đồng hành. Theo Floriuk, việc này cũng không khác với khi tham gia chương trình truyền hình thực tế “Big Brother” là bao bởi bạn phải hiểu rất rõ những người bạn đồng hành của mình.
Anh ấy đã chụp bức ảnh đoạt giải như thế nào
Khi chụp bức ảnh đoạt giải bên trên, Floriuk không ở cùng đoàn thám hiểm của anh. Một vài ngày trước đó, anh nhận được cuộc gọi từ một người bạn thông báo rằng có hai địa điểm có thể nhìn thấy cá voi. Anh quyết định sẽ đi cùng, nhưng không ôm nhiều hi vọng có thể nhìn thấy được cá voi.
Anh nói rằng “Bạn chẳng bao giờ biết được liệu rằng mình có thể thấy chúng hay không. Bạn có thể biết được vị trí chúng xuất hiện, bạn có thể nghe thấy chúng nhưng nhìn thấy chúng là một điều gì đó cực kì, cực kì khó khăn”.
Nhưng thật không ngờ, họ đã bắt gặp 3 con cá voi lưng gù, trong đó có một cặp mẹ con ở khoảng 800 km ngoài khơi Baja California ở phía tây Mexico trong chuyến hành trình của mình. Anh ấy chưa từng có cơ hội nhìn thấy cá voi gần đến thế.
Anh cho biết lũ cá voi rất thoải mái và thật tuyệt vời khi nhìn thấy chúng.
Floriuk đã có 9 tiếng lặn xuống nước chụp hàng nghìn bức ảnh về loài động vật có vú khổng lồ của tự nhiên trong vòng 3 ngày, đàn cá voi tỏ ra thất thân thiện khi bơi lượn xung quanh thuyền thám hiểm của họ. Floriuk đã bắt được khoảnh khắc cá mẹ đang dạy đúa con cách hít thở.
Những bức ảnh nói trên được chụp hoàn toàn ngẫu hứng. Anh ấy ở ngay cạnh những con cá voi khi chúng đột nhiên quay lại và bơi xung quanh những người thợ lặn khác. Bạn có thể nhìn thấy được cả những xung động dưới nước khi những người thợ lặn cố tránh đường đi của chúng.
Đôi khi những dụng cụ có kích thước nhỏ lại phục vụ tôt nhất cho công việc
Chiếc máy ảnh du lich kĩ thuật số Sony RX-100 được Floriuk lựa chọn khi làm việc dưới nước. Đây hiện là lựa chọn hàng đầu cho dòng máy ảnh bỏ túi với ống kính Carl Zeiss f/1.8 và bộ cảm biến 1 inch khá rộng. Những ưu điểm kể trên dường như vẫn chưa đủ để Sony RX-100 xứng tầm với dụng cụ chính của một nhiếp ảnh gia chụp ảnh dưới nước chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, với trọng lượng nhẹ, có thể dễ dàng mang theo cùng bộ đồ lặn, khả năng tạo ra các bức ảnh raw tuyệt vời cũng như giá tiền vừa túi, chỉ khoảng 398 đô trên Amazon do đó người dùng có thể dễ dàng lên đời máy ảnh nếu trong trường hợp bất đắc dĩ chiếc máy bị hỏng do ngập nước . Với bấy nhiêu đấy ưu điểm, cũng dễ hiểu tại sao Floriuk lại quyết định sử dụng Sony RX-100 như làm ống kính chính của mình.
Floriuk cất bộ dụng cụ của anh trong một chiếc vali Nauticam chuyên dụng. Để chụp những bức ảnh với góc nhìn rộng như bức ảnh dưới đây, anh sử dụng ống lens Inon dome.
Khi chụp ảnh thiên nhiên trên đất liền, thiết bị Floriuk sử dụng thậm chí còn “chất” hơn nhiều. đó là chiếc Sony RX-1, người anh em lớn hơn, giá trị hơn của chiếc Sony RX-100 với giá 2800 đô. RX-1 chỉ có kích thước lớn hơn một chút so với những chiếc máy du lịch thông thường nhưng lại được trang bị bộ cảm biến toàn màn hình như những chiếc máy ảnh chuyên nghiệp DSLR và ống kính cố định 35mm f/2.
Mặc dù vậy, chiếc máy ảnh ưa thích của Floriuk không phải 2 loại máy kể trên mà là chiếc máy ảnh đen trắng Leica M Monochrome. Chiếc máy này khá độc đáo so với các dòng máy kĩ thuật số khác bởi ảnh chụp sẽ không hề được chỉnh sửa mà chỉ dựa vào thang màu xám của bộ cảm biến.
Khi trả lời câu hỏi: “Tại sao bạn lại muốn tự giới hạn bản thân mình như thế?” Floriuk nói rằng những thiết bị chụp ảnh đen trắng kích thích óc sáng tạo của anh ấy,
Floriuk nghĩ rằng đây là vấn đề thuộc về mặt tâm lý “Khi bạn bị giới hạn trong hai màu đen và trắng, bạn được giải phóng khỏi suy nghĩ phải lựa chọn màu sắc cho bức ảnh của mình. Màu sắc luôn luôn là một vấn đề, nó gây mất tập trung cho không chỉ người chụp mà còn cho cả người xem. Do đó, khi không còn suy nghĩ về màu sắc, cách mà tâm trí tôi hoạt động trong quá trình chụp ảnh thay đổi hoàn toàn. Bạn nhìn mọi thứ rất khác. Khi màu sắc được loại bỏ cũng là lúc cách bạn suy nghĩ về bức ảnh bắt đầu thay đổi”.
Chiếc máy ảnh đơn sắc M Monochrome của Leica với bộ lens chất lượng cực cao đem lại cảm giác gì đó rất hoài cổ này trị giá tới 7500 đô được anh sử dụng để chụp ảnh đường phố, và mới đây được mang đến Bắc cực để phục vụ cho chuyến thám hiểm tìm hiểu chim cánh cụt của anh.
Bên cạnh đó, Floriuk cũng chụp ảnh màu. Nhưng kể cả khi chụp bằng máy ảnh màu, anh ấy vẫn luôn tâm niệm về cách mà anh ấy sẽ tạo ra bức ảnh. “Tôi hầu như chỉ chụp ảnh đen trắng, từ những bức ảnh dưới nước cho đến những bức ảnh đường phố. Tuy nhiên nhiều bức ảnh chụp tự nhiên và phong cảnh lại cần có màu sắc. Tôi luôn biết khi nào cần chụp màu, khi nào cần chụp đen trắng.
Theo GenK