Chụp chân dung có nhiều kiểu và mỗi kiểu đều có mục đích nhằm để trình bày chủ thể trong một loại ánh sáng khác nhau. Có thể đó là kiểu chụp chân dung mà bạn có khả năng kiểm soát vị trí chụp, chiếu sáng và bố cục. Nhưng cũng có kiểu chụp ngẫu hứng không được sắp đặt trước, trong đó chủ thể trông có vẻ tự nhiên và ít gò bó hơn
Không có nguyên tắc cứng nhắc và sít sao nào trong việc chụp chân dung, nhưng sau đây là vài điều quan trọng và cách chụp chân dung cơ bản có thể áp dụng được.
Sau đây là vài điều quan trọng và cách chụp chân dung mà bạn có thể áp dụng được:
Vị trí
Quan trọng là phải chuẩn bị trước. Bạn nên đi tiền trạm các vị trí trước khi chụp ảnh. Khi đã chọn được vị trí, bạn cần phải chọn khu nào có nền đẹp hơn cho chủ thể. Khi chụp chân dung, bạn hãy dùng ống kính góc rộng để lấy được cảnh vật xung quanh chủ thể, có thể tạo nên một câu chuyện và làm hình ảnh trông hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng hậu cảnh lộn xộn thỉnh thoảng sẽ làm chủ thể bị chìm đi, làm bố cục không còn có điểm trọng tâm nữa.
Gợi ý: Bạn nên luôn có kế hoạch dự phòng trong trường hợp thời tiết xấu, ví dụ như một vị trí gần đó để chụp trong nhà.
Khi chụp ảnh chân dung trong ánh sáng tự nhiên, hầu hết các nhiếp ảnh gia luôn chờ đến “giờ vàng”, thường là vào buổi sáng sớm hay chiều tối khi có ánh sáng ấm, đẹp mắt chiếu lên da. Tuy nhiên, nếu không chờ được thời gian này, bạn cũng có thể chụp ảnh đẹp trong một ngày có mây. Bầu trời phủ đầy mây có thể ví như một hộp khuếch tán ánh sáng (softbox), cho ánh sáng dịu và đẹp hơn. Nếu chụp trong nhà, hãy đặt chủ thể gần một cửa sổ lớn để có ánh sáng dịu gián tiếp. Đồng thời, vị trí này cũng có thể cho ánh sáng phản chiếu đẹp trong mắt của chủ thể.
Gợi ý: Dùng một gương phản xạ hay một miếng bìa cứng màu trắng lớn để giúp thêm ánh sáng cho những vùng thiếu sáng của chủ thể.
Ánh mắt
Ngạn ngữ có câu “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Điều này cũng đúng đối với ảnh chân dung, trong đó điểm chỉnh nét lý tưởng là đôi mắt của chủ thể. Tuy nhiên, nếu chủ thể của bạn được chụp nghiêng và không nhìn thẳng vào bạn, bạn nhớ hãy chỉnh nét vào bên mắt của chủ thể gần bạn nhất. Để chụp ảnh cả nhóm, hãy dùng chức năng chụp theo chế độ chụp nhiều ảnh liên tục để đảm bảo không ai trong ảnh bị nhắm mắt.
Gợi ý: Khi chụp ảnh trẻ em, hãy dùng một món đồ chơi mà trẻ thích để thu hút ánh mắt của chúng.
Độ sâu trường ảnh
Độ sâu trường ảnh thấp áp dụng tốt nhất cho ảnh chân dung. Thường thì nó làm cho phần hậu cảnh thành một cảnh mờ đẹp trong khi vẫn giữ sắc nét chủ thể. Người dùng máy ảnh ống kính rời DSLR có thể chọn ống kính khẩu độ rộng, ví dụ như ống kính tiêu cự cố định 50mm F1.8, để tập trung chú ý của người xem vào chủ thể và giấu đi các chi tiết gây rối trong phần hậu cảnh. Người dùng máy ảnh ngắm chụp PnS có thể dùng trị số khẩu độ F3.5 hay thấp hơn, hay có thể dùng các chế độ chụp chân dung của máy để tạo hiệu ứng tương tự.
Gợi ý: Đối với người dùng máy ảnh PnS, hãy mở rộng hết zoom và thử chụp ở chế độ zoom gần tối đa để có được độ sâu trường ảnh và tách biệt chủ thể với hậu cảnh.
Nếu bạn tránh không được các cảnh vật chung quanh thì hãy khai thác nó! Dùng các cảnh thường ngày như khung vòm, ô cửa, hành lang, ban công, nhánh cây… là những cách sáng tạo để tạo bố cục cho cảnh vật chung quanh chủ thể và đồng thời tạo được sự chú ý thị giác nhiều hơn. Bạn cũng có thể dùng những người xung quanh để tạo bố cục cho chủ thể chính. Ví dụ đàn cháu vây quanh người bà trong bữa tiệc sinh nhật của bà có thể dùng làm bố cục tốt, trong đó biểu lộ tình cảm của các cháu nói lên được niềm vui và trân trọng của buổi tiệc.
Gợi ý: Hãy nhớ xem các bên khung hình và loại bỏ các chi tiết gây rối như bụi cây hay một cột đèn lạc lõng.