Dù bạn là một người mới tập tành chụp ảnh hay đã là một tay máy nhiều kinh nghiệm, những nguyên tắc dưới đây luôn cần thiết và chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều để có một bức hình đẹp. Hẳn là nhiều người đã từng đọc hoặc nghe qua những điều này ở đâu đó, nhưng cách áp dụng chúng ra sao cho đúng cũng là một vấn đề khó khăn. Bài viết này sẽ cố gắng giúp bạn tiếp cận với chúng một cách đơn giản và dễ hiểu nhất có thể.
Bố cục phần ba
Để sử dụng bố cục này, hãy tưởng tượng ra 4 đường thẳng trên khung ngắm. Hai đường nằm ngang và hai đường nằm dọc, mỗi đường ở vị trí 1/3 hoặc 2/3 khung hình. Bốn đường này sẽ chia hình thành 9 phần bằng nhau. Chúng ta sẽ chú ý tới giao điểm của 4 đường này, hay nói cách khác là 4 đỉnh của hình chữ nhật ở tâm bức ảnh.
Bây giờ hãy đặt chủ thể cần chụp vào một trong bốn điểm đó, tùy ý đồ của bạn. Bố cục kiểu này rất phổ biến, và là một trong những nguyên tắc cơ bản, hay còn gọi là “tỷ lệ vàng” trong hội họa. Một bức ảnh được bố cục kiểu phần ba trông sẽ rất rộng rãi, phóng khoáng và bắt mắt.
Lý do là vì mắt của chúng ta luôn quan sát, và có ấn tượng về những điểm nằm ở vị trí này trước tiên mỗi khi xem một tấm hình. Dĩ nhiên, trong một vài trường hợp, hoặc để lột tả ý đồ đặc biệt của tác giả, bố cục chủ thể vào chính giữa tấm hình cũng rất đẹp.
Tuy nhiên, nếu là người mới làm quen với nhiếp ảnh, tốt nhất bạn nên tập loại bố cục phần ba trước tiên.
Rung máy là điều tồi tệ mà bất cứ tay máy nào dù nghiệp dư hay chuyên nghiệp cũng đều bị ám ảnh. Điều này xảy ra do rất nhiều lý do, có thể là do phơi sáng lâu, cũng có thể do các tác động vật lý khách quan từ môi trường bên ngoài, cũng có nhiều người do hồi hộp nên bị run tay. Nhưng tất cả đều có một điểm chung là sẽ cho ra các bức ảnh nhòe nhoẹt, rất lãng phí.
Để kiểm soát sự cố đáng tiếc này, trước tiên bạn cần tập cho mình thói quen cầm nắm chắc chắn. Cầm máy vững vàng bằng cả hai tay, một tay nắm chắc phần body có grip, tay còn lại đặt dưới giữ lens, nhớ là tay này đặt càng gần body càng tốt để cho máy được độ thăng bằng nhất.
Thứ hai, bạn phải nắm chắc sự hòa hợp giữa khẩu và tốc. Trong một số trường hợp thiếu sáng, nếu khẩu mở quá nhỏ, máy sẽ tự động chỉnh thời gian đóng màn trập lâu, khiến cho ảnh dễ bị nhòe.
Cuối cùng, bạn phải lưu ý các lens tele rất dễ bị rung, kể cả khi có IS hoặc VR. Ví dụ, khi dùng lens 100mm, phải đảm bảo rằng tốc không được quá 1/100s. Tốt nhất, nếu có điều kiện, hay sắm cho mình một chiếc tripod, hoặc tận dụng các vận bất động như thân cây, hoặc bờ tường làm điểm tựa.
Luật “Sunny 16”
Đúng như tên gọi của mình, luật này chỉ nên áp dụng khi bạn chụp ngoại cảnh trong điều kiện trời nắng đẹp. Nếu gặp trường hợp này, hãy thiết lập độ mở khẩu f/16 và tốc độ 1/100s để chụp (ISO đặt ở mức 100).
Trông đa số trường hợp, ảnh cho ra sẽ rất nét, sáng đẹp vừa đủ, không bị cháy cũng không bị tối. Mẹo này đã được các nhiếp ảnh gia áp dụng từ rất lâu với loại máy phim, vốn không có màn hình LCD để xem lại ảnh, và cũng không có chế độ đo sáng hiện đại như các máy DSLR hiện nay.
Sử dụng kính lọc phân cực
Nếu điều kiện tài chính của bạn không lấy gì làm dư dả, và chỉ đủ để mua một chiếc kính lọc duy nhất, thì hãy nghĩ ngay đến kính phân cực (polarizer filter). Loại này giúp ảnh trở nên “đầm” màu hơn, và giảm bớt độ phản xạ ánh sáng của mặt nước, cây cỏ,đặc biệt là kim loại và kính. Bạn sẽ thấy màu của bầu trời và tán lá trở nên xanh, và gần với màu thật hơn.
Ngoài ra, chiếc kính lọc này còn giúp bảo vệ chiếc ống kính đắt tiền của bạn khỏi trầy xước, và các tia sáng mặt trời quá mạnh. Loại kính lọc này khá phổ thông, và bạn có thể gắn nó thường trực trên lens trong mọi hoàn cảnh, nhớ là khi đó phải đặt chế độ đo sáng là Auto Expose.
Tạo độ sâu cho ảnh
Nếu bạn đang hoặc sắp chụp ảnh phong cảnh thì hãy đặc biệt lưu tâm tới điều này, vì nó khá dễ áp dụng nhưng lại tạo hiệu quả rất cao. Hãy sử dụng một lens góc rộng, với khẩu độ đặt ở mức f/16 hoặc nhỏ hơn để đảm bảo bức ảnh có vùng lấy nét sâu, và tạo độ liền mạch giữa tiền cảnh và hậu cảnh.
Nếu là chụp người thì hãy đặt người chụp nằm ở tiền cảnh, nhằm tạo được điểm nhấn, cũng như giúp người xem so sánh được kích cỡ, khoảng cách giữa các vùng trong tấm hình. Nếu trời không đủ sáng, hãy cố giữa f/16 và sử dụng
tripod để khỏi bị rung.
Sử dụng hậu cảnh đơn giản
Bạn đừng quá phức tạp hóa nhiếp ảnh, đôi khi những điều tưởng chừng đơn giản nhất lại luôn mang đến hiệu quả cao nhất. Đừng quá ôm đồm, và nhồi nhét mọi thứ đẹp đẽ xung quanh bạn vào một tấm hình, hãy chọn ra cho mình chủ thể và đặt nó làm điểm nhấn.
Sau đó, tìm một góc chụp thích hợp để phần hậu cảnh phía sau càng đơn giản, đỡ rối rắm càng tốt. Nó sẽ giúp bức ảnh của bạn trông dễ nhìn hơn, cũng như làm nổi bật điều bạn uốn thể hiện.
Nhớ là hậu cảnh nên có màu sắc hài hòa, trung tính, tránh các màu rực rỡ, nổi bật, và chủ thể nên nằm theo bố cục phần ba, đừng để bị rơi vào giữa tấm hình là đẹp nhất.
Đừng sử dụng Flash trong nhà
Chụp ảnh trong phòng thì thường bị thiếu sáng, và nhiều người nghĩ ngay đến việc bật flash như một giải pháp cứu cánh. Tuy nhiên, đôi khi ánh đèn flash lại gây ra những hậu quả không mong muốn, nhất là với ảnh chân dung.
Nếu bạn không điều tiết được độ sáng ánh đèn, chủ thể rất dễ bị cháy sáng, và màu sắc cũng ảo hơn bình thường. Vì vậy, nếu không có một chiếc Flash chuyên dụng, tốt nhất hãy hạn chế dùng Flash cóc.
Bạn có thể khai thác các nguồn sáng xung quanh tối đa để giải quyết vấn đề này. Hãy mở các cửa sổ, di chuyển chủ thể đến những nơi gần ánh đèn điện, hoặc đơn giản nhất là tăng ISO và độ mở khẩu.
Thường thì ISO từ 800 đến 1600 là đẹp nhất khi chụp trong nhà, ảnh sẽ sáng vừa đủ, và hạn chế tình trạng bị nhiễu sạn. Nếu có thể hãy sử dụng tripod và tăng thời gian phơi sáng cũng là một ý hay.
Chọn ISO hợp lý
ISO chính là độ nhạy sáng của máy ảnh. Thông số này càng cao thì ảnh càng sáng, tuy nhiên nó cũng là con dao hai lưỡi khi cùng lúc đó độ sạn cũng tăng theo. Chọn ISO phải căn cứ theo tình hình thực tế, nếu bạn cảm thấy không đủ sáng, hãy tăng ISO từ 400 cho tới 3200 để chọn được mức hợp lý nhất, mà không bị sạn quá mức. Còn trong điều kiện đủ sáng, hoặc chụp ngoại cảnh thì ISO 100 hoặc để auto đều được.
Lia máy
Chụp lia máy, hay còn gọi là panning là một kỹ thuật tương đối khó áp dụng. Bạn nên sử dụng thao tác này khi chụp các vật chuyển động nhanh, và cần bắt nét chúng. Để làm điều này, hãy chỉnh tốc độ màn trập xuống 2 nấc so với bình thường, ví dụ như trong hoàn cảnh bạn đang chụp với tốc 1/250s thì hãy chỉnh xuống còn 1/60s.
Sau đó, khóa nét vào vật đang chuyển động cần chụp, từ từ lia máy theo hướng song song với chủ thể, và nhất nút chụp. Nói có vẻ đơn giản nhưng bạn cần thực hành rất nhiều mới có thể thành thạo được.
Đừng ngại thử nghiệm
Trăm hay không bằng tay quen, với việc chụp ảnh cũng vậy, đừng tiếc dung lượng thẻ nhớ hay một vài cuộn phim, hãy cứ mạnh dạn thử nghiệm những điều mà bạn thích, rồi một ngày bạn sẽ tìm ra phong cách và các kỹ thuật chụp cho riêng mình.
Với tốc độ màn trập chẳng hạn, khi chụp trong điều kiện tối, hãy đặt tốc lên mức cao nhất có thể, ví dụ như 4s, bạn sẽ có một bức ảnh phơi sáng tuyệt đẹp. Cũng với điều kiện ấy, nếu để 1/250s, bức ảnh sẽ hoàn toàn khác, với các vật thể chuyển động sẽ được tái tạo theo một cách khác.
Tổng hợp